Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ GTVT vừa hoàn thiện hồ sơ dự thảo Thông tư quy định về mức giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với những phương tiện được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại giấy chứng nhận (GCN) kiểm định, tem kiểm định. Đây được cho là biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) hiện hành.
Chưa thu phí lập hồ sơ
Theo quy định của Bộ GTVT, từ tháng 3-2023, ô tô mới được miễn kiểm định lần đầu, tức chủ xe không cần mang xe đến kiểm tra trên dây chuyền. Theo đó, chủ xe hoặc người được ủy quyền chỉ cần mang giấy tờ đến các trung tâm kiểm định để lập hồ sơ phương tiện và được cấp GCN, tem kiểm định. Chủ xe tự dán các giấy tờ này lên xe của mình.
Không được từ chối nhận hồ sơ miễn kiểm định lần đầu
Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản về việc chấn chỉnh hoạt động kiểm định xe cơ giới, yêu cầu các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên và nhân viên không được tùy tiện, tự ý đưa ra các yêu cầu không có trong quy định do Bộ GTVT ban hành. Cụ thể, những yêu cầu trái quy định như từ chối nhận hồ sơ miễn kiểm định lần đầu hoặc chỉ nhận vào một số ngày trong tuần, thời gian hẹn trả kết quả lâu; thái độ phục vụ không đúng mực của một số đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ đã gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp…
Cạnh đó, chủ xe cũng không phải bỏ ra 250.000-570.000 đồng phí dịch vụ đăng kiểm tùy theo loại xe mà chỉ phải nộp phí cấp GCN đăng kiểm ô tô 40.000-90.000 đồng vào ngân sách nhà nước. Phí lập hồ sơ chưa được quy định.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết phương tiện không kiểm tra nhưng các trung tâm vẫn phải bố trí người lập hồ sơ, chi trả lương nhân viên, chi phí in ấn, điện, nước. Do đó, cục đề xuất Bộ GTVT bổ sung giá dịch vụ lập hồ sơ với mỗi xe đăng kiểm lần đầu để giúp các trung tâm giảm khó khăn.
Sau khi nghiên cứu, Bộ GTVT thống nhất đưa vào dự thảo thông tư trên quy định: Mức giá lập hồ sơ phương tiện đối với những phương tiện được miễn kiểm định lần đầu là 50.000 đồng/phương tiện. Đối với dịch vụ in lại tem kiểm định và GCN kiểm định, mức thu bằng 50% mức giá lập hồ sơ phương tiện.
Giá dịch vụ nêu trên đã gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không bao gồm lệ phí cấp GCN kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với trường hợp in lại tem kiểm định và GCN kiểm định thì không thu thêm lệ phí cấp GCN kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
“Đơn vị đăng kiểm có nghĩa vụ công khai thông tin và niêm yết giá dịch vụ, nộp thuế đối với số tiền thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền còn lại sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật…” - dự thảo thông tư quy định.
Thu thêm phí là phù hợp
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng trong tình cảnh thiếu nhân viên đăng kiểm như hiện nay, “phải thừa nhận họ đang phải gồng mình giải quyết thủ tục miễn phí cho xe được miễn kiểm định lần đầu”. Vì vậy, việc Bộ GTVT đưa ra quy định trên là phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các TTĐK.
Đại diện TTĐK 29.11D (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết trung bình mỗi ngày đơn vị làm được 100-120 xe. Trong đó, khoảng 5-10 xe mới đến làm thủ tục miễn đăng kiểm lần đầu, còn lại xe gia đình được tự động gia hạn đăng kiểm theo Thông tư 08 và các xe khác đến thời hạn kiểm định.
“Hiện đơn vị đang thiếu nhân viên đăng kiểm trong khi lượng xe cuối năm tăng lên, việc giải quyết thủ tục miễn đăng kiểm lần đầu không công như hiện nay là vô cùng khó khăn. Vì vậy, trung tâm rất mong cơ quan chức năng sớm ban hành thông tư bởi thực sự các TTĐK hiện quá khổ” - đại diện TTĐK 29.11D nói.
Anh Nguyễn Hà Anh (ngụ quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) hoàn toàn đồng ý với mức giá trên, bởi anh vừa thực hiện thủ tục miễn phí cho xe được miễn kiểm định lần đầu và nhận thấy nếu không có phí thì nhân viên đăng kiểm “có vẻ ít nhiệt tình”. “Tôi phải chờ nhân viên đăng kiểm thực hiện kiểm định các xe trên dây chuyền xong, họ mới tranh thủ giải quyết hồ sơ cho mình. Vì vậy, cần có mức phí để họ nhiệt tình hơn, giải quyết hồ sơ nhanh hơn” - anh Hà Anh chia sẻ.•
Nộp hồ sơ đăng kiểm xe mới khó hơn
Ghi nhận của PV vào khoảng 10 giờ ngày 21-12 tại TTĐK 50-03S (TP Thủ Đức, TP.HCM), lượng xe xếp hàng trong bãi đã kín với ba hàng dài. Tại đây cũng có nhân viên điều phối xe để đảm bảo trật tự.
Đại diện TTĐK 50-03S cho biết mỗi ngày trạm nhận khoảng 180-200 xe đến kiểm định và đang hoạt động ba dây chuyền. “Lưu lượng này là vừa phải chứ không quá tải hay xảy ra ùn ứ. Thông thường ở trạm chúng tôi đông vào buổi sáng, còn chiều từ 16 giờ là rất vắng vì khung giờ này cấm xe quay đầu ở Quốc lộ 13 nên xe ít tới hơn” - vị đại diện cho hay.
Theo vị này, đa số xe đến kiểm định tại TTĐK 50-03S đều là xe du lịch nên lượng xe rớt kiểm định cũng ít. Hiện nay, các chủ xe đều bảo dưỡng, sửa chữa và tra cứu phạt nguội trước khi kiểm định nên ít xảy ra tình trạng không đạt.
Ngược lại với sự thông thoáng ở trên, tại Chi nhánh TTĐK 50-05V (quận Tân Bình, TP.HCM), xe đang đậu kín chỗ trong bãi để chờ được vào dây chuyền kiểm định.
Đứng túc trực từ sáng sớm tại Chi nhánh TTĐK 50-05V nhưng cũng chỉ nộp được một hồ sơ xe mới, một nhân viên làm thủ tục kiểm định cho đại lý Mitsubishi Hồng Hà chia sẻ thời điểm này xe cũ đi kiểm định đông nên TTĐK không có nhân sự để làm hồ sơ xe mới.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Linh, phụ trách Chi nhánh TTĐK 50-05V, cho biết mỗi ngày trung tâm kiểm định cho khoảng 150 xe và thời gian gần đây, ngày nào cũng tăng ca 1 tiếng để phục vụ người dân. “Lượng xe đăng ký qua app chỉ đạt 40%-50% nên chúng tôi vẫn phải nhận xe đến kiểm định trực tiếp. Một dây chuyền kiểm định để ưu tiên cho người đặt lịch qua app, dây còn lại dành cho khách khác” - ông Linh cho hay. THY NHUNG