SIM mới phải xác thực cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

(PLO)- Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an và các doanh nghiệp viễn thông để xử lý, giải quyết tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thống kê của Bộ TT&TT, trong sáu tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng của bộ đã phát hiện 74,178 triệu cuộc gọi phát sinh từ thuê bao spam call (cuộc gọi rác), tăng 53% so với sáu tháng đầu năm 2021.

Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chặn 113.416 thuê bao phát tán cuộc gọi rác (tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021). Ngoài ra, bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp chặn dịch vụ của SIM có dấu hiệu được sử dụng, tham gia tuyên truyền cho các hành vi vi phạm pháp luật như game bài, cờ bạc, mua bán vật liệu nổ, văn bằng giả…

Báo cáo cuộc gọi rác cũng không hiệu quả

Để xử lý tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an (Cục A05) và các doanh nghiệp viễn thông di động để xử lý các số điện thoại quảng cáo và các số thuê bao có khiếu nại.

Cụ thể, thời gian gần đây xuất hiện không ít cuộc gọi từ SIM rác, thư điện tử (email) giả mạo mang tính chất lừa đảo.

Nổi bật nhất là các cuộc gọi giả mạo CSGT thông báo về vi phạm giao thông, yêu cầu khách hàng làm theo hướng dẫn để thực hiện các bước lừa đảo.

Anh Ngọc Hà ở quận Ba Đình, TP Hà Nội, một nạn nhân thường xuyên của hình thức quấy rối trên bức xúc: “Có thời điểm điện thoại tôi nhận được liên tiếp các cuộc gọi giả mạo CSGT với nội dung phần lớn là hù dọa, bắt tôi phải cung cấp các thông tin cá nhân... Sau đó, tôi đã đưa những số điện thoại này vào danh sách báo cáo cuộc gọi rác nhưng cũng không có hiệu quả”.

Nhiều tin nhắn, cuộc gọi rác đến từ nhiều thương hiệu cũng gây phiền hà đối với khách hàng. Ảnh: VIẾT THỊNH

Nhiều tin nhắn, cuộc gọi rác đến từ nhiều thương hiệu cũng gây phiền hà đối với khách hàng. Ảnh: VIẾT THỊNH

Ngoài ra, các tin nhắn, cuộc gọi mời làm việc nhẹ lương cao, mời mua bảo hiểm, thuốc chữa bệnh… cũng thường xuyên quấy rối, gây phiền hà cho người dùng.

Ông Đặng Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, cho biết hiện nay dịch vụ OTT (phương tiện cung cấp nội dung cho người dùng như các nội dung về âm thanh, hình ảnh trên nền tảng Internet) xuất hiện rất nhiều. Các tin nhắn thường chủ yếu dựa trên nền tảng Zalo, iMessage. Đây cũng là lỗ hổng mà Zalo hay Apple chưa có giải pháp kỹ thuật để xử lý.

Sẽ có ứng dụng cảnh báo cuộc gọi rác

Cũng theo ông Đặng Huy Hoàng, để giải quyết tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác, hiện nay tất cả nội dung quảng cáo đều qua tên định danh, việc này nhằm tăng cường thị trường quảng cáo chính thống. Ngoài ra, Nghị định 91/2020 cũng quy định không được phép sử dụng số thuê bao di động để quảng cáo. Cổng thông tin chống thư rác: thongbaorac.ais.gov.vn của Bộ TT&TT cũng đưa ra các cảnh báo, hướng dẫn một số biện pháp để người dùng chủ động bảo vệ mình khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn lạ.

“Trong thời gian tới, chúng tôi đang định hướng xây dựng ứng dụng phục vụ cho cộng đồng, ứng dụng đó có tính năng cảnh báo cuộc gọi rác hay cuộc gọi lừa đảo khi họ gọi đến cho các thuê bao” - ông Đặng Huy Hoàng thông tin.

Đáng chú ý, bắt đầu từ ngày 1-8, các thuê bao di động mới phát sinh phải thực hiện việc xác thực cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết nạn SIM rác.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 174 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về kết nối thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, đại diện các bộ, cơ quan, doanh nghiệp viễn thông thống nhất khắc phục tình trạng SIM rác, SIM nặc danh thông qua quá trình kết nối dữ liệu. Việc kết nối, xác thực cần triển khai đồng bộ, bình đẳng giữa các nhà mạng; dữ liệu cần được bảo vệ, không ảnh hưởng đến kinh doanh của nhà mạng hay sự riêng tư của thuê bao.

Các doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ tiến hành đối soát dữ liệu SIM đang hoạt động, đảm bảo xác thực khớp đúng ba thành phần thông tin của thuê bao. Cụ thể là thông tin của thuê bao đăng ký tại các doanh nghiệp viễn thông; thông tin cá nhân của thuê bao trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin người đang sử dụng, sở hữu, nắm giữ SIM thực tế.

Theo kế hoạch, trước ngày 30-9, các doanh nghiệp viễn thông di động phải xây dựng kế hoạch, triển khai việc đối soát, cập nhật thông tin đối với số thuê bao đã được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác định có thông tin chưa chính xác theo quy định.•

Cách phản ánh cuộc gọi, tin nhắn rác

Để tham gia danh sách không quảng cáo cũng như phản ánh cuộc gọi, tin nhắn rác không mong muốn, người dùng di động có thể gửi tin nhắn lên hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn, cuộc gọi rác đến số 5656 do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) xây dựng.

Người dùng thực hiện theo cú pháp sau: Đăng ký vào danh sách không nhận quảng cáo (DK DNC gửi 5656); phản ánh cuộc gọi rác (V [nguồn phát tán] [Nội dung cuộc gọi rác] gửi 5656); phản ánh tin nhắn rác (S [nguồn phát tán] [Nội dung tin nhắn rác] gửi 5656).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm