Tại buổi họp báo về kết quả lựa chọn sách giáo khoa mới chuẩn bị cho năm học 2020-2021 diễn ra tại Trung tâm báo chí TP sáng 23-6, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định việc chọn SGK là hoàn toàn công khai, minh bạch.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ thông tin với báo chí tại buổi họp báo sáng 24-6. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Sách Chân trời sáng tạochiếm ưu thế
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết bộ sách Chân trời sáng tạo được lựa chọn chiếm tỉ lệ khoảng 80% (không đều ở các môn, môn Tiếng Anh hơn 60%). Việc bộ sách Chân trời sáng tạo được lựa chọn nhiều là kết quả hoàn toàn bình thường.
Theo ông Trung, bộ sách Chân trời sáng tạo lần đầu tiên và duy nhất có sự tham gia của các tác giả miền Nam (cụ thể là TP.HCM). TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) từng lí giải: “Khi các nhóm tác giả ở miền Nam tham gia biên soạn SGK, có thể nhận thấy nhiều phương ngữ, dữ liệu đưa vào SGK mang tính đặc trưng của vùng miền. Các phương ngữ này gần gũi với lứa tuổi học sinh tiểu học khu vực này. Nhóm tác giả phía Nam nghiên cứu chương trình, biên soạn SGK đang hướng đến một đối tượng khá đặc trưng cho vùng miền. Khi giáo viên tham gia lựa chọn SGK, các bộ sách đã đáp ứng đúng chương trình của Hội đồng thẩm định quốc gia, việc lựa chọn sách gần gũi với địa phương là hoàn toàn dễ hiểu”.
Bên cạnh đó, bộ sách được các thầy cô giáo, những người đang trực tiếp đứng lớp, tham gia trong quá trình đổi mới phương pháp dạy – học, kiểm tra – đánh giá của TP, nên những chủ trương, biện pháp đổi mới cũng được thể hiện nhiều và sát hợp với giáo viên.
Mặt khác, tỉ lệ chọn các sách bộ Chân trời sáng tạo tại TP.HCM cao nhưng trên tổng thể, bộ sách cũng được các tỉnh thành phía Nam lựa chọn nhiều.
Hiện nay, có 11 địa phương chọn các đầu sách của Bộ Chân trời sáng tạo cao hơn so với các bộ khác; 24 địa phương chọn với tỉ lệ hơn 10% và 41 địa phương có chọn các đầu sách của bộ Chân trời sáng tạo. Một số tỉnh, thành chọn các đầu sách của bộ Chân trời sáng tạo với tỉ lệ rất cao như: tỉnh Bến Tre chọn cả bộ sách tỉ lệ 90% (cao nhất), tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chọn các môn Tiếng Việt, Đạo Đức, Mĩ Thuật đạt 100%; tỉnh An Giang chọn các môn Tiếng Việt (91%), Toán (89%), Tự nhiên xã hội (90%), Mĩ thuật (89%), Giáo dục thể chất (88%). Điều này cho thấy, chất lượng bộ SGK Chân trời sáng tạo đã được sự công nhận của đông đảo giáo viên các tỉnh miền Nam.
Sở GD&ĐT khẳng định, việc lựa chọn SGK tại TP.HCM hoàn toàn công khai, minh bạch, đúng quy trình, quy định của Bộ GD&ĐT.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, ngoài phương ngữ thì bộ SGK này còn có sự khác biệt từ phía đội ngũ tác giả. Trước đây, viết SGK là những giáo sư, tiến sĩ có chuyên môn sâu giảng dạy ở đại học hay viện nghiên cứu. Lần này, tham gia biên soạn còn có các giáo viên giỏi, cán bộ quản lý của thành phố. Trong đó có những gương mặt giáo viên tiểu học nổi tiếng của thành phố....
Các giáo viên trường Tiểu học Yên Thế, quận Tân Bình lựa chọn SGK. Ảnh: NTCC
Sở GD&ĐT không áp đặt, chỉ đạo ngầm việc lựa chọn SGK
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi trả thù lao cho một số cán bộ Sở GD&ĐT TP.HCM liên quan đến việc biên soạn sách có tác động đến kết quả lựa chọn SGK không?, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định: “Các bạn hãy đến các trường và phỏng vấn các giáo viên thì sẽ thấy được sự tự chủ của các trường ra sao. Tôi quý trọng và tin tưởng rằng giáo viên của TP không dễ bị chi phối, bị áp đặt".
"Uy tín, danh dự của các trường rất cao thậm chí khi giáo viên chọn khác hiệu trưởng cũng phải dựa vào quy chế của thông tư 01. Việc lựa chọn SGK theo nguyên tắc tập thể, quá bán. Giáo viên bỏ phiếu lên tổ trưởng, khi đó, sự lựa chọn của tổ trưởng đã là ý kiến của tập thể giáo viên. Sau đó, các tổ trưởng lại tiếp tục tham gia bỏ phiếu trong hội đồng chọn sách giáo khoa của trường…Cho nên phóng viên có thể tin tưởng Sở GD&ĐT TP.HCM không có động thái áp đặt hay là chỉ đạo ngầm”.
“Chúng tôi rất mong sự đa dạng trong chọn lựa sách. Giáo viên sẽ được tự do lựa chọn. Việc có nhiều bộ sách mới có sự so sánh, sự đánh giá sau một quá trình thực hiện. Hiện nay, một số nơi chọn bộ Cánh diều đến 40% vì bộ sách đó gần gũi với chương trình hiện hành, nên quá trình tiệm cận của học sinh sẽ không gặp khó khăn. Tuy nhiên, phần lớn các trường chọn bộ sách Chân trời sáng tạo vì họ thấy phù hợp. Do đó, kết quả lựa chọn bộ sách giáo khoa ở TP vừa công bố so với các tỉnh có thể thấy điều đó là hết sức bình thường, không có sự áp đặt, khó khăn nào cho các trường”, ông Hiếu nói.