Số hóa cho chợ đầu mối TP.HCM

(PLO)- Các chợ đầu mối TP.HCM hướng tới vai trò ngoài kinh doanh còn có nhiệm vụ trở thành trung tâm logistics và phát triển thêm chức năng về du lịch, xuất khẩu.

“Sau 20 năm đi vào hoạt động kinh doanh, mô hình tổ chức hoạt động của các chợ đầu mối đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội”. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhận định như trên tại hội thảo ngày 27-12 bàn về các giải pháp hướng chợ đầu mối đến mô hình hiện đại.

Chợ đầu mối đuối sức trước chợ online

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương dẫn chứng: Các chợ đang vận hành chủ yếu theo hình thức cung cấp mặt bằng và các dịch vụ hỗ trợ người mua, người bán; giao dịch mua bán và trao đổi hàng hóa trực tiếp giữa người mua và người bán trên số lượng bán buôn; giá cả tự thỏa thuận và thanh toán phần lớn bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ gốc tại các địa phương chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực cả khu vực TP.HCM.

Chợ đầu mối có thể mở rộng thêm dịch vụ logistics, du lịch, cung cấp thông tin thị trường…Ảnh: TÚ UYÊN

“Ngoài ra, kinh nghiệm trong dịch COVID-19 vừa rồi cho thấy ba chợ đầu mối phải đóng cửa do chưa đáp ứng công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, thương nhân đã áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương thức kinh doanh trực tuyến nên khắc phục được tạm thời khó khăn trước mắt” - ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, thống kê cho thấy thời gian qua thương mại điện tử, kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng 20%-30%/năm, riêng tại TP.HCM tăng trưởng trên 60% - gấp ba lần bình quân cả nước. Vì vậy, để thích ứng với tình hình mới, hệ thống chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số mô hình hoạt động kinh doanh.

TP.HCM có ba chợ đầu mối lớn là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn. Trong năm 2023, lượng hàng hóa nhập về ba chợ đầu mối trung bình 7.000-8.500 tấn/đêm, giảm 500-1.500 tấn/đêm so với thời điểm trước dịch.

Bên cạnh đó, TP.HCM còn có 230 chợ truyền thống, 267 siêu thị, 48 trung tâm thương mại và 3.321 cửa hàng tiện lợi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hòa, phòng Thông tin điện tử Sở TT&TT TP.HCM, nhìn nhận: Mô hình kinh doanh các chợ đầu mối đang trong tình trạng khó khăn. Trong số các chợ truyền thống đang hoạt động, mẫu số chung là vấn đề ô nhiễm môi trường, thiếu minh bạch giá cả và đặc biệt là năng lực chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Đây cũng là tình trạng của các chợ đầu mối tại TP.HCM.

“Khi 500.000 shop ra đời trên các nền tảng mạng xã hội thì ngay lập tức những mô hình kinh doanh truyền thống gặp khó khăn. Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng đi chợ truyền thống chẳng khác nào như tham gia chương trình “Hãy chọn giá đúng” vì phải… trả giá hoài, trong khi mua hàng online thì không cần” - ông Hòa nêu ví dụ.

Học kinh nghiệm từ chợ đầu mối các nước phát triển

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, để vượt qua thách thức thì chuyển đổi số chính là cơ hội cho chợ truyền thống, chợ đầu mối. Tuy nhiên, việc định hướng chuyển đổi số cho các chợ đầu mối cần quan tâm đến bốn trụ cột cơ bản là nguồn nhân lực số, quy trình kinh doanh mới, công nghệ và dữ liệu. Nếu thiếu một trong bốn yếu tố này thì quá trình chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh chuyển đổi số, cần đặt ra vấn đề chợ truyền thống, chợ đầu mối phải quy hoạch lại các ngành hàng mà mình cung ứng. Đơn cử tại Mỹ có những chợ đầu mối lớn tạo thành hệ sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa, du lịch… Muốn vậy, chợ phải có các sản phẩm mang thương hiệu riêng, khách hàng phải đến chợ đó mới mua được.

Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, cho biết công ty luôn quan tâm về định hướng chuyển đổi số nhằm quản lý tốt chợ đầu mối Bình Điền. Theo đó, công ty từng bước nghiên cứu, học hỏi mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số các chợ đầu mối ở các nước phát triển, chọn lọc phù hợp với thực tế từng giai đoạn để áp dụng đưa chợ đầu mối Bình Điền trở thành một trong những chợ đầu mối văn minh, hiện đại trong nước và khu vực.

Ông Hà Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Satra, cũng đánh giá các nền tảng như Lazada, Shopee… sẽ không thể thay thế được chợ truyền thống. Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh để chợ đầu mối số hóa tốt thì đầu tiên phải thay đổi hành vi giao dịch mua bán của tiểu thương với bạn hàng.

“Ví dụ, việc tiểu thương lập group Zalo, Viber… để trao đổi thông tin với bạn hàng thì đây là những manh mún để số hóa hành vi mua bán” - ông Sơn gợi ý.

Nhiều ý kiến khác cho rằng theo mô hình cũ, chợ đầu mối là nơi tập hợp hàng hóa cung cấp cho các kênh bán lẻ nhưng mô hình mới có thể mở rộng thêm dịch vụ logistics, du lịch, cung cấp thông tin thị trường… Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết sau dịch COVID-19, thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng như bùng nổ mua sắm online nên nhu cầu người dân đến chợ truyền thống mua sắm trực tiếp giảm dần.

Trước tình hình này, UBND TP Thủ Đức đề xuất một số giải pháp. Ví dụ, chợ truyền thống cần có cơ chế riêng về mô hình, xây dựng bộ tiêu chuẩn chợ an toàn văn minh thương mại.

“Hiện nay, TP Thủ Đức còn 26 chợ do UBND phường quản lý. Chúng tôi đang tìm giải pháp để chuyển đổi từ mô hình do ban quản lý chợ quản lý sang doanh nghiệp quản lý theo hình thức đấu thầu để có thể quản lý hiệu quả hơn. Trong hồ sơ mời thầu, khi đề xuất bộ tiêu chí tiêu chuẩn thì cũng là điều kiện bắt buộc doanh nghiệp trúng thầu phải làm” - ông Phụng nói.

Chợ đầu mối hướng tới xuất khẩu, du lịch

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, các chợ đầu mối tại TP.HCM hướng tới vai trò ngoài kinh doanh còn có nhiệm vụ trở thành trung tâm logistics của TP, phát triển thêm chức năng về du lịch.

Theo đó, năm định hướng phát triển ba chợ đầu mối là hình thành được mô hình chợ đầu mối theo hướng hiện đại, giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định cho TP.HCM. Đồng thời, đảm bảo cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi và tiện nghi cho các nhà vườn, thương lái, người tiêu dùng và các nhà kinh doanh.

Hình thành các hệ thống kiểm soát từ đầu vào, đến khi hàng hóa ra
khỏi chợ về các kênh bán lẻ, hình thành các sàn giao dịch tại các chợ đầu mối. Đồng thời, đáp ứng được các điều kiện như hệ thống kho, dự trữ, nơi chế biến, khu vực bán lẻ, khu vực hậu cần, cấp thoát nước, hệ thống giao thông nội bộ và kết nối với các vùng sản xuất. Chú trọng công tác xây dựng thương hiệu và hướng đến xuất khẩu cho các chợ đầu mối của TP.HCM…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới