“Nếu Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, người dân huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) và vùng phụ cận sẽ tiếp tục đón nhận những trận động đất mới”. PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), khẳng định vào ngày 19-9.
Theo ông Phương, thiết bị đo địa chấn của Viện Vật lý Địa cầu không ghi nhận được cả ba trận động đất xảy ra trong ngày 18-9. Đến nay, các trận động đất chưa gây thiệt hại nhiều về vật chất nhưng lại ảnh hưởng lớn đến tinh thần người dân. “Việc họ bỏ nhà tái định cư để trở về với nhà lá, nhà gỗ như trước kia là điều nên làm. Trong hoàn cảnh hiện nay, đây là phương án phòng vệ tốt nhất” - ông Phương nhận định.
Ông Phương cũng khuyến cáo chính quyền tỉnh Quảng Nam phải chủ động có phương án di dời dân, không nên chờ kết luận của các nhà khoa học. Theo ông Phương, hiện Bộ KH&CN đã phê duyệt Đề án khảo sát động đất và tác động đến đập thủy điện Sông Tranh 2. Viện Vật lý Địa cầu sẽ là đơn vị chủ trì, dự kiến cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ lắp năm máy quan trắc động đất tại khu vực Sông Tranh 2. Các máy quan trắc được nhập khẩu từ Đức với tổng kinh phí 2 tỉ đồng.
Ông Phương cũng lưu ý, các nhà khoa học sẽ phải xác định lại vị trí đứt gãy tại đây, bởi một số đứt gãy phát sinh nông hơn trước đây. Nguồn gốc các trận động đất kích thích gần đây không phải do các đứt gãy lớn gây ra mà chỉ các đới đứt gãy nhỏ (độ sâu 5 km) gần mặt đất nên sẽ gây tác động lớn. Bên cạnh đó, hướng đứt gãy phát triển theo hướng tây bắc-đông nam thay vì hướng á vĩ tuyến (nằm ngang) như khảo sát ban đầu.
“Những điểm này khác hoàn toàn so với khảo sát vào năm 2003 khi mà các nhà khoa học lập dự án tư vấn cho EVN. Do đó trong thời điểm này, nếu Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 tích nước sẽ gây ra những đợt động đất kích thích tiếp theo” - ông Phương lưu ý.
TRÀ PHƯƠNG