Chiều 6-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 9 đã tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè, quận 7 và quận 4, trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri nêu ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước hiện nay.
Tội phạm hoạt động theo kiểu liên kết, chiếm đoạt tài sản lớn
Cử tri Nguyễn Thị Đoan Trang (huyện Nhà Bè), nhìn nhận gần đây có nhiều vụ án lớn về tham nhũng của các tập đoàn, công ty lớn được phát hiện, liên quan đến nhiều cán bộ có chức vụ, có cả cán bộ Trung ương.
Thiệt hại của các vụ án kinh tế ngày càng lớn, như vụ án Vạn Thịnh Phát là hơn 673.000 tỉ đồng...
“Người dân rất lo lắng trước tình hình này cũng như khả năng khắc phục thiệt hại đã xảy ra. Nhiều cán bộ liên đới cũng làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước” - cử tri Trang nêu và đề nghị các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả ở cấp cao và tham nhũng vặt.
Bà đề nghị phải hoàn thiện cơ chế, pháp luật để tránh cán bộ, công chức vì sợ sai mà e ngại, không còn nhiệt tình với công việc.
Còn cử tri Bùi Văn Kiểm (huyện Nhà Bè) cho rằng Luật Phòng chống tham nhũng bộc lộ hạn chế... “Kê khai tài sản của một số cán bộ không nghiêm túc, đối phó...” - cử tri Kiểm nói và đề nghị làm nghiêm túc việc này, cán bộ nào không kê khai tài sản nghiêm túc là vi phạm kỷ luật Đảng và vi phạm pháp luật.
“Đảng viên dính tham nhũng, tiêu cực phải bị xử lý kỷ luật Đảng và pháp luật...” – ông Kiểm nói tiếp.
Ông cũng cho rằng thực tế đã hình thành tội phạm hoạt động theo kiểu liên kết giữa doanh nghiệp với quan chức, chiếm đoạt tài sản lớn. Ông đề nghị nghiêm trị để chấn chỉnh nạn này.
Không phải trường hợp nào cũng tham nhũng, hối lộ
Trao đổi lại với cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định tinh thần của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là không có giới hạn, không có vùng cấm.
Do đó, ở trong các cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải thực hiện trước và nghiêm hơn để giữ kỷ cương và phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở lĩnh vực khác.
Liên quan đến việc nhiều cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ trung ương bị xử lý, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết một số lãnh đạo, kể cả Ủy viên Trung ương Đảng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra, liên quan đến việc nhận hối lộ, tham nhũng.
Tuy nhiên cũng có một số lãnh đạo chủ chốt có vi phạm khuyết điểm về những điều đảng viên không được làm hay trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ cao cấp là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng, hoặc có trách nhiệm là người đứng đầu để cán bộ thuộc quyền vi phạm pháp luật.
“Chúng ta phải phân định rõ ràng chứ không phải tất cả trường hợp vừa qua đều là tham nhũng, hối lộ và đã bị khởi tố, thôi chức, nghỉ việc” – ông Mãi phân tích rõ và cho biết việc thôi chức cũng là hình thức xử lý có trong quy định.
Cần nghiên cứu để cán bộ coi tiền lương là thu nhập chính
Về cải cách tiền lương, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định nếu xác định tiền lương là thu nhập chính để cán bộ, công chức yên tâm làm việc, cống hiến thì phải tính toán đồng bộ tinh gọn bộ máy, nâng tiền lương thực tế đi liền với năng suất, chất lượng phục vụ của công chức.
Theo ông, TP.HCM đang thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và chuẩn bị nguồn ngân sách, đảm bảo chi trả lương mới từ 1-7. Song, TP cũng đang nghiên cứu hình thức phù hợp để tổ chức thực hiện chủ trương này.
Ông Mãi cho biết Nghị quyết 98/2023 đã cho cơ chế về thu nhập tăng thêm cũng giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác, nâng cao chất lượng công vụ, thái độ phục vụ người dân.
“Tuy nhiên, để thực sự căn cơ, bài bản để cán bộ an tâm với tiền lương của mình, coi đây là thu nhập chính, đảm bảo cho đời sống của mình thì TP cần nghiên cứu thêm” – ông nói.