Sử dụng rượu bia ngày tết sao cho hợp lý?

(PLO)- Nên hạn chế uống rượu bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.

Lượng rượu bia được tiêu thụ trong những ngày tết thường tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, khi uống nhiều rượu bia sẽ có hại cho sức khoẻ. Do đó trong dịp tết chúng ta nên tiêu thụ có chừng mực để đảm bảo sức khỏe.

Uống nhiều rượu bia sẽ có hại cho sức khỏe. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo cục an toàn thực phẩm, rượu bia có nhiều tác động đến hệ thần kinh và khả năng kiểm soát hành vi. Mỗi người đều có ngưỡng rượu bia nhất định, vì vậy trong những ngày tết khi uống rượu bia nên hạn chế, không vì quá vui vẻ mà uống liên tục trong nhiều ngày. Nếu uống nhiều và liên tục cơ thể sẽ không đủ thời gian đào thải độc tố ra ngoài.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, chúng ta cần có ý thức khi sử dụng rượu bia:

Theo đó, chỉ nên sử dụng rượu bia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường và bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm;

Sau khi uống rượu bia không nên tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động ở nơi nguy hiểm, không an toàn do nguy cơ té ngã, chấn thương...đồng thời không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia;

Không nên uống rượu bia lúc đói vì sẽ kích ứng dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày. Trước khi uống rượu bia nên uống nước lọc, nước súp, nước canh, đặc biệt là nên ăn rau xanh vì chúng có tác dụng giảm nồng độ cồn có trong rượu;

Nên hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. (Một đơn vị cồn tương đương 10gr cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống).

Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Theo viện dinh dưỡng quốc gia, khi uống rượu bia nên uống chậm rãi, nếu là rượu mạnh thì có thể làm loãng nồng độ nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng, dạ dày và giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc.

Không nên uống rượu với đồ uống có ga, rượu lẫn bia, vì chúng sẽ làm quá trình rượu hấp thu cồn vào máu nhanh hơn.

Không nên uống rượu với caffeine, do pha rượu với những loại nước có ga, cà phê rất có hại cho sức khoẻ. Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.

Biểu hiện của ngộ độc rượu

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, triệu chứng ngộ độc rượu biểu hiện từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào nồng độ cồn trong máu, cụ thể:

Nồng độ cồn từ 20 - 50 mg/dL, người dùng có biểu hiện kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều.

Nồng độ cồn từ 50 - 100 mg/dL, người dùng có biểu hiện chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường.

Nồng độ cồn từ 100 – 200 mg/dL, người dùng có biểu hiện nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm.

Nồng độ cồn từ 200- 400 mg/dL, người dùng có biểu hiện hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), tiêu tiểu ra quần, tụt huyết áp, hôn mê.

Nếu nồng độ cồn > 400, người dùng có thể bị trụy tim mạch, tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới