Sự khác biệt của Tổng thống Biden ở châu Á -Thái Bình Dương

Sáng sớm 7-1, Quốc hội Mỹ xác nhận ứng viên Dân chủ Joe Biden là tổng thống đắc cử. Tân tổng thống Mỹ sẽ chính thức nắm quyền ở Nhà Trắng sau lễ tuyên thệ vào ngày 20-1 tới.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thắng, một người có nhiều năm làm việc và sinh sống tại Mỹ, có theo dõi sát sao chính trị Mỹ, cho rằng ông Biden đã trở nên am tường về Trung Quốc (TQ) và sẽ tiếp tục cứng rắn với quốc gia này, buộc Bắc Kinh tuân theo luật chơi chung của thế giới.
Những ưu tiên hàng đầu
. Phóng viên: Thưa ông, có thể hình dung nhiệm kỳ mới của đắc cử viên tổng thống - ông Joe Biden sẽ diễn ra trong bối cảnh nào?
Sự khác biệt của Tổng thống Biden ở châu Á -Thái Bình Dương ảnh 1

+ Ông Trần Thắng: Ông Joe Biden thắng cử nhiệm kỳ 2021-2024 đối mặt với bối cảnh nước Mỹ bị dịch COVID-19 hoành hành nặng nề và đang bước vào giai đoạn tiêm chủng vaccine. Không những thế, chính trị Mỹ xảy ra nhiều biến cố chưa có tiền lệ về bầu cử năm 2020, đồng thời Washington vẫn chưa có lối ra trước vấn đề chiến tranh thương mại giữa Mỹ - TQ ở mức cao.

Ưu tiên năm đầu tiên của ông Biden chắc chắn sẽ tập trung vào việc kiểm soát đại dịch COVID-19 có hiệu quả cao nhất và giải quyết các vấn đề xã hội chia rẽ nhằm tạo sự thông cảm và đoàn kết trong Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - nơi biểu tượng cho đa sắc tộc, đa văn hóa và nền dân chủ..
. Dư luận rất quan tâm về vấn đề đối ngoại. Liệu ông Biden sẽ có những điều chỉnh gì trong quan hệ với các nước?
+ Về đối ngoại, ông Biden chắc chắn sẽ trở lại các hiệp ước quốc tế mà lâu nay Mỹ dẫn dắt thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mỹ vẫn là nhà tài trợ và trợ giúp khoa học công nghệ hàng đầu của thế giới cho các nước nghèo và đang phát triển.
Mỹ sẽ tăng cường ngoại giao với các đồng minh truyền thống như EU, Canada, Úc, Nhật Bản và cùng nhau kiểm soát TQ. Mỹ sẽ dỡ bỏ các thuế quan về sắt thép đến từ các nước đồng minh châu Âu mà chính quyền Trump đã ban hành trong thời gian qua. Mỹ sẽ thiết lập luật lệ thương mại mới và cùng EU, Nhật Bản gây áp lực, buộc TQ tuân thủ các định chế kinh tế của thế giới.

Tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc

. Ông Biden có sự đồng điệu nào trong chính sách đối ngoại của ông Trump?
+ Chính quyền Biden đồng quan điểm với chính quyền Trump về việc TQ thách thức Mỹ trở thành nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế của thế giới trong thế kỷ 21. Tổng thống Biden chỉ trích TQ đánh cắp công nghệ từ công ty Mỹ, không công bằng về trợ giúp nhà nước cho công ty TQ nhằm có lợi thế xuất khẩu...
Mỹ sẽ đưa một số dự luật cụ thể nhằm ngăn cản giao thương với các công ty TQ về công nghệ sản xuất chất bán dẫn mà Mỹ đang nắm ưu thế, từ đó kiềm chế công ty TQ chậm đà phát triển. TQ đã bị thiệt hại nặng trong thời gian qua vì bị Mỹ ngăn cản và nhận thấy muộn màng về lỗ hổng này khi phát triển kinh tế vươn ra thế giới. Ngoài ra, Mỹ và EU đang cạnh tranh với TQ về các sản phẩm mới như pin, gốm công nghệ, thiết bị LED mà những mặt hàng này cả Mỹ và EU lệ thuộc vào TQ.
. Ông Biden sẽ sớm chấm dứt chiến tranh thương mại?
+ Các nhà kinh tế nhận xét Mỹ sẽ không dỡ bỏ thuế quan 370 tỉ USD hàng hóa TQ vào Mỹ trong thời gian gần dưới thời ông Biden. Nói cách khác, chính quyền Biden vẫn áp dụng chính sách của ông Trump trong một khoảng thời gian nào đó, có thể đến thời điểm TQ tuân thủ những luật lệ thương mại của Mỹ và EU đưa ra. Mặc dù TQ đồng ý mua 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ nhưng đến nay lượng hàng hóa nhập từ Mỹ chỉ đạt ở mức thấp.
Tuy nhiên, đây cũng là quyết định khó cho ông Biden vì nếu giữ thuế quan như chính quyền Trump áp dụng thì chính nền kinh tế Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại. Ông Biden muốn giảm thuế quan hàng TQ với điều kiện Bắc Kinh phải tuân thủ các định chế thương mại của thế giới và thương thảo vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Biden xem vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu đặc biệt quan trọng và đề cử cựu ngoại trưởng John Kerry làm cố vấn và nằm trong Hội đồng an ninh quốc gia.

Ông Joe Biden (ảnh lớn) được cho là sẽ thay đổi nhiều sai lầm do chính quyền ông Trump tạo ra với đồng minh tại châu Á nhưng cũng tiếp tục chủ trương cứng rắn với Trung Quốc như người tiền nhiệm. Ảnh: NIKKEI ASIA/GETTY

CPTPP sẽ là một trụ cột
. Trụ cột kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ trong việc chống lại ảnh hưởng của TQ liệu có thay đổi?
+ Mặc dù Mỹ sáng lập ra Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 nước và không có TQ với tổng số GDP toàn cầu là 40% nhưng bị Tổng thống Trump rút ra khỏi vào năm 2017. Các nước thành viên còn lại sau đó vẫn duy trì và đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các nước này, tôi chắc rằng đều hy vọng ông Biden sẽ quay lại. Ðây cũng là một phương cách mà Mỹ cùng các đồng minh kiểm soát, gây áp lực nhằm buộc TQ tuân thủ các luật thương mại của thế giới.
Đây cũng là sự khác biệt cơ bản giữa ông Biden so với người tiền nhiệm. Ông Biden chủ trương hướng ra ngoài và cùng các đồng minh truyền thống tạo sức mạnh gây áp lực lên TQ, cổ vũ kinh tế toàn cầu, trong khi ông Trump thì thu mình trong nước Mỹ để đương đầu với TQ.
Cần nhớ rằng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 15 nước, do TQ dẫn dắt với tổng số GDP toàn cầu là 30% vừa thành lập trong tháng 11-2020 nhằm tạo ảnh hưởng kinh tế của TQ lên thế giới. Một khi hiệp định CPTPP được kích hoạt trở lại thì tính cạnh tranh khốc liệt sẽ bùng nổ giữa hai hiệp định “khủng” này.
. Có ý kiến cho rằng ông Biden “có quan hệ thân cận” với TQ nên chính sách sẽ không cứng rắn. Ông nghĩ sao?
+ Với ông Biden, TQ là một chặng đường dài. 20 năm trước chính ông Biden là người ủng hộ TQ vào hệ thống thương mại của thế giới - WTO. Tuy nhiên, hiện nay sau tất cả những gì trông thấy và nhận thức được, chính ông Biden đã nhận thấy TQ lạm dụng và bóc lột kinh tế toàn cầu. Ông Biden hiểu TQ hơn bất kỳ chính trị gia nào ở Quốc hội Mỹ, chắc chắn ông sẽ có những chính sách rất mạnh mẽ với TQ trong nhiệm kỳ tổng thống lần này.
. Xin cám ơn ông.•

 Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là trọng tâm

 Chuyên gia Walter Ladwig viết trên trang RUSI (một tổ chức nghiên cứu an ninh quốc tế có trụ sở tại Anh) rằng: Hoàn toàn có lý do để tin rằng chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục xem Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một ưu tiên hàng đầu.

Lúc còn là phó tổng thống, ông Biden từng đóng vai trò chủ chốt trong việc triển khai chiến lược “Xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Barack Obama. Hơn nữa, kể từ thời Tổng thống George W. Bush đến nay, Mỹ đã cho thấy nước này có sự tập trung liên tục vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bên cạnh khắc phục thiệt hại mà chính quyền ông Trump được cho là đã gây ra do làm mất lòng các đồng minh chủ chốt trong khu vực, ông Biden được dự đoán sẽ không thay đổi quá nhiều trong cách tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dưới thời ông Biden, chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ được kỳ vọng sẽ vượt ra ngoài những lo ngại về quốc phòng và an ninh - vốn là trọng tâm hàng đầu của chính quyền ông Trump.

Ông Biden sẽ nhìn ra được những rào cản của việc Mỹ không tham gia cả hai hiệp định thương mại tự do mới ra đời của khu vực: RCEP và CPTPP. Việc đứng ngoài hai hiệp định quan trọng này sẽ cản trở Mỹ trong việc thúc đẩy một cấu trúc kinh tế khu vực, giúp các nước củng cố chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào TQ. Ông Ladwig dự đoán nhiều khả năng ông Biden sẽ quay lại với CPTPP - một thỏa thuận do chính ông góp phần khởi xướng từ thời ông Obama.

Dù vậy, tạp chí The Economist lại không cho rằng ông Biden sẽ trở thành một người ủng hộ tự do thương mại. Việc ông Trump rút khỏi quá trình đàm phán CPTPP, cũng như đứng ngoài RCEP, có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, vì quan điểm tự do thương mại đang mất dần vị thế trong chính trường Mỹ, ông Biden sẽ khó đưa ra lựa chọn tái đàm phán gia nhập CPTPP. K.NHƯ

Tăng cường hợp tác kinh tế

 Trong bốn năm dưới thời Tổng thống Trump, chính quyền Washington đã theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, áp thuế cao lên hàng hóa của đối thủ cạnh tranh là TQ lẫn của đồng minh như Nhật. 

Các chuyên gia của tạp chí The Economist cho rằng công cụ thuế quan vẫn sẽ được ông Biden tận dụng lại nhưng ở phạm vi hẹp hơn. Ông Biden được dự báo sẽ giảm bớt thuế quan đối với hàng hóa nhập vào Mỹ, giúp xây dựng quan hệ ít đối kháng hơn với các đối tác.

Trong bài phân tích đăng trên tạp chí Forbes, cựu thứ trưởng Ngoại thương Mỹ Frank Lavin lạc quan rằng ông Biden sẽ quản lý tốt hơn chính sách thương mại đối với châu Á, nâng cấp đáng kể các cam kết đa phương với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). VĂN KIẾM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm