Điện thoại di động
Một nghiên cứu phát hiện ra chúng ta chạm vào điện thoại di động tới 150 lần mỗi ngày, và các nhà khoa học Mỹ tìm thấy 7.000 loại vi khuẩn hiện diện trên 51 mẫu phone. Mặc dù hầu hết trong số đó là vô hại, nhưng một số lại gây bệnh. "Khi bạn sử dụng, điện thoại di động sẽ nóng lên, tạo điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi", Laura Bowater, nhà vi sinh học tại Đại học East Anglia cho biết.
Ảnh:lifeinlofi.com. |
Các vi khuẩn có mặt ở trong phân, trong đất và trên động vật - vốn có thể truyền bệnh - đều hiện diện ở thiết bị này. Các loại điện thoại có bàn phím còn bẩn hơn, bởi chúng có các hốc, rãnh. Hãy làm sạch điện thoại mỗi ngày bằng khăn diệt khuẩn, ở mức thường xuyên nhất có thể.
Da chúng ta rơi ra hàng triệu tế bào chết mỗi ngày, phần lớn trong đó nằm lại ở trên giường, quện với hàng lít mồ hôi tiết ra hàng đêm. Cả hai đều là mồi ngon cho các loại sinh vật bẩn, có thể mang đến các bệnh như kích thích mắt, viêm xoang hay hen. Điều đáng nói là 1/10 dân số chỉ giặt ga trải giường sau mỗi 4 tuần, và hơn 1/3 chờ tới nửa tháng mới làm sạch nó, theo khảo sát gần đây của công ty dữ liệu và nghiên cứu thị trường quốc tế YouGov.
Chuyên gia Laura đề nghị nên giặt ga trải giường một lần mỗi tuần, ở nhiệt độ tối thiểu 60 độ C để diệt khuẩn.
"Phơi ga và vỏ gối dưới ánh nắng trực tiếp nếu có thể, vì tia cực tím diệt khuẩn rất hiệu quả. Là nóng vỏ gối cotton ở nhiệt độ cao (200 độ C) cũng sẽ loại bỏ hết các vi khuẩn còn lại".
Ruột gối
Ruột gối có tính năng như chiếc mút xốp, hút mồ hôi ẩm, và nó trở thành nơi lý tưởng cho vi khuẩn, các loại bọ sinh sôi. Các bác sĩ đã tìm thấy rằng 1/3 trọng lượng của gối có thể là từ vi khuẩn, da chết, các loại bọ và phân của chúng. Trung bình một chiếc gối không giặt có thể chứa tới 16 loại nấm.
Vì thế, hãy giặt ruột gối cứ 3 tháng một lần. Hầu hết các ruột gối làm từ sợi tổng hợp đều có thể cho vào máy giặt (hãy kiểm tra trên nhãn). Giặt ở 60 độ C sẽ giết chết hầu hết vi khuẩn. Sử dụng xà phòng giặt dạng lỏng (vì bột giặt có thể để lại cặn) và cho chế độ giặt kép.
Ảnh:drala. |
Đệm bẩn
Bụi, phân của các loại bọ ở trong đệm có thể gây dị ứng, hen suyễn, trong khi nấm và các loại mốc meo cũng có thể gây phản ứng dị ứng. Vì thế, hãy hút bụi sau đó phơi đệm ngoài trời cứ 6 tháng một lần. Loại bỏ các vết bẩn trên đệm bằng dung dịch giặt khô. Sau khi làm sạch hãy trở mặt đệm.
Đồ vải bò
Giặt quần jean cứ sau 5 lần mặc sẽ bảo quản được màu sắc và các sợi vải. Giặt với tần xuất nhiều hơn sẽ nhanh chóng khiến đồ bò lão hóa.
Vải bò không ưa nhiệt, vì nhiệt độ cao làm hỏng sợi. Vì thế, hãy giặt trong nước lạnh. Khi giặt, hãy lộn trái để bảo vệ các loại nút, khóa, và nhớ phơi ngoài trời. Nếu chiếc quần quá quý giá và bạn không có điều kiện giặt, hãy bỏ nó vào túi nilon kín, cho vào ngăn đá qua đêm, nó sẽ giúp giệt khuẩn tốt như khi bạn giặt.
Áo ngực
Áo ngực mặc sát vào người, vì thế trở thành môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn phát triển. Hãy giặt sau 2 -3 lần mặc. Không nên bỏ vào máy giặt vì sẽ làm sợi áo bị nhão, giảm tuổi thọ. Thay vì thế, hãy giặt tay.
Quần áo ngủ
Quần ngủ bó sát hoặc quần soóc cần được giặt sau 2 lần mặc. Áo ngủ có thể lâu hơn một chút. Điều này rất quan trọng để giữ sạch cơ thể, đặc biệt là trên giường.
Khăn lau bát đĩa
Khăn lau bát đĩa và khăn rửa bát là nguồn vi khuẩn bẩn nhất trong bếp. Ecoli và các vi khuẩn khác có khả năng nhân đôi cứ sau 40 giờ. Vì thế hãy giặt khăn sau mỗi lần sử dụng. Nhiệt độ giặt lý tưởng là 60 độ C, kể cả đối với khăn dính đồ ăn, sau đó là ủi chúng ở nhiệt độ cao. Với giẻ (mút) rửa bát, bạn cần ngâm trong chất tẩy khoảng nửa giờ trước khi giặt hoặc luộc sôi 5 phút sau mỗi lần sử dụng.
Ví cũ
Các loại vi khuẩn bẩn, kể cả loại có trong phân, có thể tìm thấy trên bất kỳ bề mặt công cộng nào, đặc biệt là ví. Ngay cả khi bạn rửa tay thường xuyên, bạn vẫn có thể nhiễm lại vi khuẩn sau khi trả tiền ăn... Hãy làm sạch ví sau mỗi tuần sử dụng. Một số loại có thể cho vào máy giặt.
Túi xách
Bạn cầm túi đi khắp nơi, đặt nó lên mọi bề mặt, kể cả sàn toilet, cầm nó sau khi chế biến đồ ăn hoặc đi du lịch... Vì thế, lý tưởng nhất là làm sạch cứ sau mỗi tuần bằng khăn diệt khuẩn, đặc biệt là tay cầm và đáy túi.
Theo Thuận An/Vnexpress (theo sgm, newstral)