Từ việc đào giếng, sửa đường, làm cầu, cứu nạn dân cho đến cải cách quan chế; thực hiện tân pháp; thay đổi chính sách thuế má, lao dịch; đấu tranh với đại thần; can gián cả vua, Bao Công đều thực hiện nhằm một mục đích: “Lợi dân”. Chính như lời tấu của ông: “Dân là gốc của nước, tiền của từ dân mà ra, an nguy gắn liền theo đó. Cho nên phải lấy việc yên dân làm trọng”.
Vì dân, chí công vô tư
Từ tiểu thuyết, sân khấu đến phim ảnh đều gắn liền hình tượng Bao Công phá các đại án với thời gian làm Phủ doãn phủ Khai Phong (tương tự Thị trưởng Bắc Kinh ngày nay). Kỳ thực, Bao Công chỉ giữ chức này hơn 1 năm và công lao lớn nhất của ông là cải cách hành pháp và quy hoạch lại kinh thành để khỏi nạn ngập nước.
Năm Diên Hựu nguyên niên đời Tống Nhân Tông (1056) có lũ lớn, con sông Huệ Dân chảy giữa thành Khai Phong nước dâng ngập một nửa phía Nam kinh thành. Bao Công thân hành đi vào trong dân tìm hiểu mới biết nguyên nhân là do các nhà quyền thế, giàu có mặc sức xây dựng đình đài, hoa viên lấn chiếm hết dòng chảy của sông. Ông lập tức dâng tấu, được vua Nhân Tông phê chuẩn, ông liền ra lệnh giải tỏa trắng những công trình lấn chiếm, không kể của kẻ tai to mặt lớn nào, thực hiện quy hoạch lại kinh đô. Các con nhà quyền quý ở Khai Phong thấy thế đều răm rắp dẹp bỏ những công trình sai phạm.
Vào thời điểm ấy, ở Khai Phong, nạn ăn hối lộ rất phổ biến, gọi là “đi cửa sau”. Bao Công về làm Phủ doãn, trước hết bản thân ông đoạn tuyệt các mối quan hệ, thư từ với người thân và quan lại cấp cao, chỉ giải quyết việc công. Ông ra lệnh luôn mở rộng công môn, người đến khiếu kiện được kêu oan, trực tiếp vào gặp tri phủ, đứng dưới công đường trình bày sự việc, đồng thời trừng trị rất nghiêm khắc những nha lại vòi tiền. Ở kinh thành lưu truyền câu cửa miệng: “Quan tiết bất đáo, hữu Diêm La Bao lão”, ý là ở Khai Phong đừng hòng “đi cửa sau” vì có Bao lão gia chấp pháp nghiêm minh như Diêm Vương.
Đời tư đau buồn
Vợ cả của Bao Công là Trương thị, không có con. Vợ thứ - Đổng thị - là cháu của nguyên “Tể tướng 3 triều” Lữ Mông Chính, sinh được 1 trai là Bao Ý và 2 gái. Bao Ý được tập ấm làm Thái thường tự Thái chúc nhưng mới kết hôn với Thôi thị được 2 năm thì bị bệnh qua đời, để lại con trai là Bao Văn Phụ. Không ngờ Phụ mới lên 5 tuổi thì chết yểu. Bao Công liên tiếp mất đi con trai và cháu đích tôn, không người nối dõi tông đường nên vô cùng đau đớn. May mà có Thôi thị là dâu hiền, hết lòng chăm sóc cha mẹ chồng.
Năm Bao Công 59 tuổi thì người hầu gái của ông là Tôn thị có thai nhưng ông không biết, lại đuổi về nhà vì phạm lỗi. Thôi thị hay được bèn tìm đến giúp đỡ, nuôi nấng cho đến khi Tôn thị sinh được 1 con trai, đặt tên là Bao Thụ. Đến sinh nhật mừng tròn “lục thập hoa giáp” (60 tuổi) của Bao Công, Thôi thị mới bế đứa bé ra kể hết sự tình. Bao Công mừng không kể xiết, đặt lại tên con là Bao Diên. Hai con gái của Bao Công, một gả cho quan Chủ bạ ở Thiểm Châu là Vương Hướng, một gả cho quan Chủ bạ Quốc Tử Giám là Văn Hiệu.
Bốn năm sau khi Bao Công qua đời, vua Nhân Tông đến viếng thấy Bao Diên mới 5 tuổi đứng trước linh cữu, nhà cửa đơn sơ, tình cảnh đáng thương bèn phong Bao Diên làm Thái thường tự Thái chúc. Năm 8 tuổi, Bao Diên được thăng Đại lý bình sự rồi Thừa sự lang, hàm Bát phẩm.
Bao Diên là người có chí, lại được chị dâu Thôi thị thay mẹ tận tình chăm sóc, rước thầy dạy dỗ nên tiến bộ rất nhanh, tính tình nghiêm cẩn, nhất cử nhất động đều giống Bao Công. Có thể nói, công lao của Thôi thị đối với gia tộc của họ Bao là rất lớn, Bao Diên kính trọng, thờ Thôi thị như mẹ, ở TP Hợp Phì, tỉnh An Huy có câu “Trưởng tẩu như mẫu” (dâu trưởng như mẹ) là nói đến Thôi thị.
Bao Diên sau được bổ làm Đoàn luyện Phán quan ở Hào Châu (nay là Phụng Dương, An Huy), thể hiện được phong thái của Bao Công, xử án nghiêm minh, không tham tài lợi. Sau đó, Bao Diên về kinh thành Tuyên Đức lang, coi quản tất cả việc xây dựng và tu sửa thành quách, cung điện, cầu cống, thuyền xe trong cung. Chính ông đã tiên phong đưa ra biện pháp nhận thầu khoán, giúp các công trình hoàn thành nhanh, chất lượng tốt, lại ít tốn kém. Bao Diên bị bệnh mất khi mới 47 tuổi, tiền đồ đang xán lạn. Khi người ta mở hành lý của Bao Diên, ngoài sắc phong, sách giấy, bút mực và 46 khoẻn tiền đồng, không có món gì đáng giá cả. Ai nấy đều kinh ngạc vì sự thanh bạch của ông.
Bao Diên có 2 vợ, 4 trai, 3 gái nhưng có điều là trước khi Bao Diên qua đời, gia đình 10 người này có đến 6 người chết yểu.
Những hậu duệ nổi tiếng của Bao Công Theo ông Bao Tôn Lượng - hậu duệ đời thứ 34, Hội trưởng Hội Liên lạc hậu duệ Bao Công - hậu duệ chính thức của Bao Công khoảng 10.000 người ở các tỉnh An Huy, Triết Giang, Giang Tây, Vân Nam, tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Đại Bao và Tiểu Bao thuộc xã Giải Tập, huyện Phì Đông, tỉnh An Huy. Hậu duệ của Bao Công có rất nhiều người nổi tiếng: Bao Khang - quân sư của Phương Lạp: Là hậu duệ đời thứ 5 của Bao Công. Năm 1120, Bao Khang và Phương Lạp phát động nông dân khởi nghĩa ở Triết Giang. Chỉ trong mấy tháng đã chiếm được 6 châu, 52 huyện của 3 tỉnh Triết Giang, An Huy và Giang Tây, triều Bắc Tống chấn kinh. Bao Thế Thần (1775-1855): Là nhà thư pháp, lý luận thư pháp nổi tiếng đời Thanh, từng làm tri huyện Tân Dụ, tỉnh Giang Tây. Bao Ngọc Cương (1918-1991), được mệnh danh là “Thuyền Vương” của Hồng Kông, là một trong “Thập đại Thuyền Vương” - 10 nhà vận tải tàu biển lớn nhất thế giới. Bao Ngọc Cương còn là bạn của Đặng Tiểu Bình. Bao Bồi Khánh (sinh năm 1945): Là doanh nhân, nhà hoạt động xã hội, nhà từ thiện ở Hồng Kông, là con gái đầu của Bao Ngọc Cương, hậu duệ đời thứ 30 của Bao Công... |
Kỳ tới: Bi kịch mộ phần