Chất béo nào giúp tăng cường sức khỏe và giảm cân?

Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, chất béo là một trong ba loại chất dinh dưỡng chính của cơ thể. Hiểu được vai trò của chất béo tốt, sẽ giúp chúng ta lập kế hoạch ăn uống lành mạnh để tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần, cũng như hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

Cá hồi chứa nhiều omega-3 tốt cho cơ thể. Ảnh: NGUYÊN VÕ

Có hai loại chất béo bao gồm: chất béo tốt (chất béo không bão hòa) và chất béo xấu (chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa).

Theo đó, chất béo không bảo hòa tồn tại dưới hai dạng là chất béo không bão hòa đơn, chúng có nhiều trong đậu phộng, dầu hướng dương, dầu ô-liu…

Chất béo không bão hòa đa, bao gồm 2 loại là: omega-3 (có nhiều trong cá hồi, cá ngừ, các thu, hạt chia, quả óc chó,…) và omega-6 (có nhiều trong dầu cây rum,…).

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bổ sung chất béo không bão hòa đơn có thể giúp giảm mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) trong máu.

Chất béo không bão hòa đa, chất béo omega-3 có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của não và hệ thần kinh, giúp chúng ta có làn da khỏe mạnh, và rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Chất béo omega-6 giúp bảo vệ cơ thể khỏi những căn bệnh về tim mạch. Ngoài ra, chúng cũng có thể giúp hỗ trợ giảm cân có hiệu quả.

Chất béo chuyển hóa (trans fat), hoặc các axit béo chuyển hóa, là các axit béo không bão hòa, chúng được tìm thấy từ các nguồn tự nhiên hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm.

Chất béo chuyển hóa hình thành trong quá trình chế biến thực phẩm, chúng được tạo ra khi hydro được thêm vào dầu thực vật (quá trình hydro hóa) để chuyển thành chất béo rắn, tạo ra dầu hydro hóa một phần (PHO).

Trong quá trình chế biến thực phẩm, chất béo chuyển hóa được sử dụng với mục đích cải thiện cấu trúc, tăng thời gian bảo quản và tạo hương vị thơm ngon cho thực phẩm. Chất béo chuyển hóa có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như: bơ thực vật, thức ăn chiên, mì gói,…

Việc sử dụng chất béo chuyển hóa sẽ làm tăng mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) trong máu. Mức LDL-cholesterol trong máu tăng cao làm tăng khả năng mắc các bệnh về Tim mạch.

Chất béo chuyển hóa là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại, vì khi xâm nhập cơ thể chất béo chuyển hóa sẽ gây đông đặc máu,  gây tắc nghẽn và từ đó dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, chất béo chuyển hóa làm tăng nguy tử vong và các bệnh về tim mạch, khuyến cáo chỉ nên sử dụng 0,13g đến 4,3g mỗi ngày nếu nhu cầu năng lượng mỗi ngày là 2000kcal.

TS. Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM cho biết, Trong dầu thực vật có chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng dầu thực vật để chiên hoặc nấu cần lưu ý để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Khi chúng ta nấu nướng ở nhiệt độ cao và thời gian kéo dài thì chất béo không no trong dầu đổi thành chất béo trans (trans fat) sẽ không cói lợi cho sức khỏe, dễ gây bệnh tim mạch. Vì vậy, khi chiên, xào bằng dầu thì không nên chiên, xào quá lâu hoặc ở nhiệt độ cao”, TS. Phan Thế Đồng chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm