Từ đó đã phát sinh ra “cò” được một số nhân viên y tế chống lưng, giành độc quyền nuôi bệnh. Thân nhân và người bệnh đã khổ càng thêm khổ.
Phản ánh với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Nhân, Giám đốc Công ty Nhân Ái - chuyên cung cấp người chăm sóc người bệnh tỏ ra bức xúc trước cách ứng xử của BV Điều dưỡng phục hồi chức năng (quận 8, TP.HCM). Theo ông Nhân, đó là cách trắng trợn, công khai dành chăm sóc bệnh nhân tại các khoa phòng của bệnh viện này.
Nuôi bệnh phải đóng tiền điện nước
Theo hợp đồng giữa Công ty Nhân Ái và chị LNT (huyện Bình Chánh), nhân viên của công ty sẽ chăm sóc cho ba của chị tại khoa Nội 1 bệnh viện này và sau đó là chăm sóc dài hạn khi bệnh nhân đi bất cứ chỗ nào. Tuy nhiên, nhân viên bệnh viện yêu cầu phải được phép của bệnh viện, phải có đăng ký, hoặc phải đưa hộ khẩu, giấy tạm trú, tạm vắng, giấy phép hành nghề… Nếu không có các giấy tờ trên thì phải đóng tiền điện nước cho bệnh viện (mặc dù khoản tiền này đã được tính vào tiền viện phí của bệnh nhân).
Công ty không chấp nhận đóng khoản tiền vô lý đó, khoa Nội 1 đã dẫn một người đàn ông đến để nhận nuôi ba chị T. Nhân viên khoa hỏi gia đình chị T: “Ở đây có dịch vụ chăm sóc người bệnh 120.000 đồng/ngày sao không thuê mà đi thuê 150.000 đồng/ngày?”. Khoa Nội 1 yêu cầu nhân viên của Công ty Nhân Ái ở hoặc ra về. Cuối cùng hợp đồng giữa Công ty Nhân Ái và chị T. bị hủy.
Chị T. nói với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại: “Gia đình chúng tôi đồng ý trả các chi phí cho người chăm sóc của Công ty Nhân Ái theo yêu cầu của bệnh viện nhưng bệnh viện cũng không đồng ý. Ba tôi chỉ nằm tại bệnh viện này hai ngày, sau đó phải chuyển qua Chợ Rẫy. Gia đình chúng tôi đề nghị người chăm sóc tại BV Điều dưỡng phục hồi chức năng đến Chợ Rẫy chăm sóc. Tuy nhiên, các anh bên đó không chịu qua vì điều kiện ăn ở, giờ giấc… nói chung là cực khổ hơn”.
Nhiều bệnh viện hiện có đội ngũ “người nuôi bệnh thuê” được bệnh viện huấn luyện, “quản” bằng quy chế riêng ngoài quy định của ngành y tế. Trong ảnh: Một người nuôi bệnh thuê đang chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: DUY TÍNH
Tương tự, anh Nguyễn Văn V. (quận 8) tỏ ra khá bức xúc phản ánh rằng BV Nguyễn Trãi đuổi người chăm sóc bệnh nhân mà gia đình anh thuê. Theo anh V., mẹ anh bị tai biến, gia đình anh không có người chăm sóc mẹ nên phải nhờ dịch vụ chăm sóc trong bệnh viện, tuy nhiên khi người này vào thì bị bảo vệ đuổi ra…
Lãnh đạo bệnh viện bó tay
Theo ông Nhân, vào khoảng tháng 7-2008, ban lãnh đạo BV Điều dưỡng phục hồi chức năng có mời ông sang để giúp giải quyết vấn đề nạn “cò” chăm sóc trong bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện bày tỏ khó khăn lớn nhất nơi này gặp phải là rất nhiều tay “cò” có từng băng nhóm riêng, hoạt động trong từng khoa riêng, thậm chí xây nhà làm công việc này. Đội ngũ này ngoài không chuyên môn, không những gây mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội trong bệnh viện mà còn gây tổn thất rất lớn cho kinh phí hoạt động của bệnh viện, đó là sử dụng điện nước vô tư, thoải mái với sự dung túng của chính nhân viên bệnh viện.
“Ban lãnh đạo bệnh viện cũng biết những phức tạp này mà không có hướng giải quyết, tôi hứa giúp bệnh viện có giải pháp nhưng gặp phải sự phản ứng của nhân viên khoa phòng nên ban lãnh đạo bệnh viện đã im lặng” - ông Nhân kể.
Đuổi “cò”, phát thẻ nuôi bệnh
Đó là cách làm khác của lãnh đạo BV Nguyễn Trãi trong thời gian qua. Bác sĩ Võ Văn Tiến, Phó Giám đốc BV Nguyễn Trãi, cho biết trong đầu tháng 2-2010, bệnh viện đã phối hợp với công an phường đuổi khoảng 26 người ra khỏi bệnh viện. Trước đó, bệnh viện có đuổi nhưng họ vẫn quay lại. Hiện 26 người này được liệt vào danh sách đen, cấm vào bệnh viện. “Giai đoạn đầu chúng tôi muốn tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm nên cho đăng ký, có ảnh, có chứng minh nhân dân và họ phải cam đoan đảm bảo an ninh trật tự. Nhưng sau một thời gian gây mất trật tự vẫn không chấp hành tốt được. Hiện nay, đến 9 giờ tối là bệnh viện kiểm tra, nếu người nuôi bệnh, chăm sóc không có thẻ của bệnh viện cấp thì đuổi ra” - bác sĩ Tiến cho biết thêm.
Vì sao bệnh viện quyết tâm đuổi “cò”? Thứ nhất, ban đầu tại bệnh viện chỉ hình thành một nhóm, có một người đứng ra tìm hiểu người nào có nhu cầu thì giới thiệu qua. Tuy nhiên, sau đó nhiều người cùng nhảy vào, sinh ra nhiều “cò” nên xảy ra xích mích, gây gổ, gây sự nhau gây nên an ninh không đảm bảo.
“Chúng tôi vẫn cho người bên ngoài (trừ danh sách đen) vào chăm sóc bệnh nhân ở các khoa, phòng bình thường khác miễn sao người đó có thẻ nuôi bệnh. Còn đối với bệnh nhân ở khoa Săn sóc đặc biệt, chúng tôi sẽ chăm sóc toàn diện, bảo đảm vô khuẩn và an toàn cho bệnh nhân. Gia đình bệnh nhân chỉ được vào thăm có giờ giấc mà thôi” - bác sĩ Tiến nói.
Có huấn luyện, quản lý người nuôi thuê nhưng không có cò! Ngày 9-3, ông Nguyễn Ô Ri, Trưởng phòng Hành chính quản trị, BV Điều dưỡng-Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, cho biết người nhà có quyền chăm sóc trực tiếp người bệnh hoặc có thể thuê. Tuy nhiên, người nuôi thuê thì phải đóng tiền, không phân biệt người nuôi thuê trong hay bên ngoài vào. Theo ông Ri, vấn đề người nuôi bệnh thuê hình thành đã hơn 10 năm, về sau số lượng người nuôi thuê ngày càng tăng. Bệnh viện quản lý họ bằng hành chính, tức họ phải có hồ sơ, lý lịch, phiếu khám sức khỏe như nhân viên. Người nuôi bệnh thuê phải có sự đồng ý của khoa, bệnh viện ký và khoa quản lý. Đến nay tại bệnh viện đã có khoảng 44 người. Chi phí nuôi bệnh thuê thì giữa hai bên bệnh nhân và người nuôi tự thỏa thuận, mỗi tháng họ phải trả bệnh viện 100.000 đồng tiền điện, nước sinh hoạt. Nhân viên Công ty Nhân Ái muốn nuôi thì nuôi nhưng phải đúng theo quy định là phôtô chứng minh và đóng tiền điện, nước khoảng 3.000 đồng/ngày. Bác sĩ Đinh Quang Khanh, Phó Giám đốc bệnh viện này, cho biết thêm: Do lực lượng tự phát nhiều quá nên bệnh viện đã tổ chức những lớp tập huấn về chuyên môn, phối hợp với Hội Y dược học tập huấn kỹ năng chăm sóc người bệnh và họ có đóng học phí. Theo tôi biết thì không có cò, tuy nhiên tổ chức thế nào thì bệnh viện không biết, nếu có bệnh viện sẽ xác minh và đuổi ngay” - ông Khanh nói. |
Góp ý việc truyền hình hành người bệnh: Người bệnh cần nghỉ ngơi trước tiếng ồn, ánh sáng Ở các nước có chế độ dịch vụ y tế tốt trên thế giới, mỗi bệnh nhân được nằm một phòng riêng, có đủ điều dưỡng và hộ lý cho mỗi bệnh nhân. Các phương tiện phục vụ bệnh nhân ngoài các trang thiết bị y tế thiết yếu còn có những vật dụng tối thiểu khác như ánh sáng, phong cảnh thiên nhiên, tiếng ồn, sách truyện và truyền hình. Nhưng ánh sáng và truyền hình phải được sử dụng thích hợp cho từng loại bệnh. Người ta chỉ sử dụng truyền hình cho khu khám bệnh, khu bệnh nhân đang giai đoạn bệnh phục hồi và bệnh nhân cần giải quyết chấn thương tâm lý nhưng với chế độ đúng mực cho từng bệnh nhân. Trong điều kiện dịch vụ y tế kém và mỗi phòng bệnh có nhiều bệnh nhân không cùng mức độ bệnh, cần xem lại việc đem truyền hình vào phòng trực điều dưỡng. Càng không nên đem truyền hình vào các khoa săn sóc đặc biệt, cấp cứu và bệnh nặng. Ba vấn đề lớn cần quan tâm: Thầy thuốc không nên có thái độ hưởng thụ trước những người bệnh đang quằn quại trong cơn đau. Các phương tiện giải trí ở những nơi này cũng làm xao lãng đến tinh thần phục vụ của các thầy thuốc ở những trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp. Và cuối cùng là người bệnh cần yên nghỉ với ánh sáng, tiếng ồn. Cần xem lại nơi nào được đặt truyền hình và nơi nào không được đặt, ngõ hầu đưa vấn đề phục vụ cho người bệnh lên trên hết trong điều kiện dịch vụ chăm sóc người bệnh còn yếu như ngành y tế của nước ta. BS HỒ HẢI |
DUY TÍNH