Chiều 18-11, BS Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc BV đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết bệnh viện này vừa cứu sống anh NNC (23 tuổi, ở TP Cần Thơ) bị nhồi máu cơ tim tối cấp và có biến chứng ngưng tim.
Trước đó, bệnh viện nói trên tiếp nhận anh C. trong tình trạng đau ngực trái. Anh C. cho biết đột ngột nôn ói sau khi uống vài lon bia nên đã tự uống thuốc điều trị dạ dày. Tuy nhiên, do triệu chứng nôn ói không giảm, lại đau ngực trái nên anh C. vào bệnh viện.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe anh C. sau điều trị. Ảnh: BV CUNG CẤP
Tại đây, chẩn đoán anh C. bị cơn đau thắt ngực không ổn định nên các bác sĩ chuyển tới Khoa tim mạch theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, anh C. bất ngờ ngưng tim, ngưng thở khi vừa đến Khoa tim mạch nên các bác sĩ nhanh chóng hồi sức cấp cứu và sốc điện.
Sau khi anh C. có nhịp tim trở lại, các bác sĩ đo điện tim và phát hiện bị nhồi máu cơ tim tối cấp nên nhanh chóng thực hiện tái thông mạch vành. Sau 15 phút can thiệp, huyết động anh C. ổn định, dễ thở và bớt đau ngực nhiều.
BS Phong cho biết nhồi máu cơ tim thường rơi vào những người cao tuổi. Thế nhưng hiện nay căn bệnh nói trên đang trẻ hóa và người trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim mỗi ngày mỗi tăng.
“Độ tuổi 45 bị nhồi máu cơ tim được coi là trẻ. Dưới 35 tuổi mắc bệnh này xem là rất trẻ” - BS Phong nói.
Theo BS Phong, người trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim do thừa cân, béo phì; hút thuốc lá. Bên cạnh đó, người trẻ tuổi luôn nghĩ rằng không thể bị nhồi máu cơ tim nên chủ quan và một khi đã mắc thường khá nặng.
“Khi bị nhồi máu cơ tim bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị. Sau khi xuất viện, thăm khám theo đúng chỉ định của bác sĩ để ổn định bệnh tình” - BS Phong lưu ý.