Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: Hiện các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, Công ty TNHH MTV VBĐQ Sài gòn SJC, Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý... đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để thành lập nhà máy sản xuất theo quy mô lớn, sử dụng hàng vạn lao động và dần bắt kịp với các nước trong khu vực.
Cho đến hết năm 2020, theo báo cáo của Tổng cục hải quan, ngành vàng nữ trang Việt Nam đã xuất khẩu được 2,6 tỷ USD. Riêng Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI từ năm 2016-2020 đã xuất khẩu được 53,8 tấn sản phẩm vàng kim hoàn, kỹ nghệ thu về cho đất nước 2,5 tỉ USD.
Trước đó, năm 2019, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỉ USD tăng 231,2% so với cùng kỳ năm 2018.
“Mặc dù ngành vàng đã có kim ngạch xuất khẩu nhưng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước trên thị trường quốc tế hiện nay rất yếu”, ông Long đánh giá.
Lý giải về điều này, ông Long cho biết: Hiện các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore... đang được hưởng hàng loạt chính sách vĩ mô nhằm khuyến khích, phát triển thị trường như thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu chỉ bằng 0%, thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ cũng bằng 0%.
Đặc biệt, các quốc gia này còn được nhập khẩu vàng nguyên liệu, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị công nghệ hiện đại hơn...
Do đó kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ của các quốc gia này đã đạt mức khá ấn tượng. Như Thái Lan đã vượt trên 10 tỷ USD, Singapore trên 8 tỷ USD, Indonesia trên 6 tỷ USD... Theo số liệu của hội đồng vàng thế giới, ngành vàng bạc đá quý các quốc gia này đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế.
Thực tế cho thấy ngành vàng Việt Nam đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng đã thực hiện đầu tư dây chuyền công nghệ lớn nên đã tạo ra nguồn cung cho thị trường vàng trang sức và hạn chế được nhập khẩu vàng trang sức từ nước ngoài. Đồng thời ngành nữ trang trong nước đã có kim ngạch xuất khẩu tuy chưa lớn nhưng đối với Việt Nam thì đây cũng được xem là bước tiến quan trọng.
Thế nhưng, gần 2 năm nay giá vàng miếng SJC, vàng nữ trang 24K của thị trường trong nước đã có sự chênh lệch thế giới và càng ngày khoảng cách chênh lệch đó càng rộng hơn.
Thậm chí trong tuần vừa qua, có thời điểm độ vênh giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới lên tới trên 9 triệu đồng/lượng, một khoảng cách chênh lệch cao chưa từng có trong lịch sử giá vàng trong nước.
Chênh lệch này xuất phát từ nguyên nhân là thị trường vàng trong nước và thế giới không có sự liên thông. Đáng chú ý là kể từ khi Nghị định 24 về quản lý vàng chính thức có hiệu lực thì tuyệt nhiên không có doanh nghiệp kinh doanh vàng nào Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia ngành vàng cho rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực để nhập khẩu vàng nguyên liệu, bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch với thế giới. Và cũng là để người tiêu dùng tránh phải mua vàng với biên độ cao khủng khiếp như vậy.