Đáp ứng nhu cầu mua bất động sản tăng lên sau khi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại, VPBank vừa triển khai chương trình ưu đãi lãi suất chỉ từ 5,9% cùng nhiều đặc quyền khác dành cho khách hàng vay mua bất động sản có giấy chủ quyền.
Theo đó, từ ngày 15-10 đến hết năm 2021, khi người dân có nhu cầu vay vốn tại Vpbank để mua bất động sản có giấy chủ quyền sẽ được lựa chọn một trong các gói lãi suất là 5,9% /năm cố định trong 3 tháng; 7,9%/năm trong 6 tháng; 8,3%/năm trong 12 tháng; 8,6%/năm trong 18 tháng hoặc 8,9%/năm trong 24 tháng. Đây được xem là những mức lãi suất vay mua nhà rất cạnh tranh trên thị trường hiện nay.
Được biết, tại PVcomBank lãi suất cho vay mua nhà hiện đang giữ ở mức 5%/năm trong vòng 6 tháng đầu; từ tháng thứ 7 trở đi lãi suất áp dụng ở mức 12%/năm.
Trong khi đó, VIB đang có lãi suất cho vay là 8,3%/năm. Lãi suất không thấp nhưng điểm cộng là hạn mức cho vay đối với khách hàng có thể lên đến 90% giá trị căn nhà và thời hạn kéo dài đến 30 năm.
Chia sẻ về câu chuyện lãi suất vay mua nhà, anh Phong- quận Thủ Đức chia sẻ chỉ nhìn vào biểu lãi suất vay mua nhà thì chưa đủ để khẳng định mức lãi suất cho vay như vậy là cao hay thấp. Bởi có ngân hàng không yêu cầu “xôi kèm lạc”, kiểu như muốn mức lãi suất ưu đãi thì phải mua thêm một gói bảo hiểm nhân thọ. Cũng có ngân hàng lại không đưa ra yêu cầu như vậy.
“Bản thân tôi vừa mua một căn hộ ở quận Thủ Đức do ngân hàng Tpbank tài trợ vốn. Với hình thức này, gói lãi suất mà tôi đang vay là 7,5%/năm cho năm đầu tiên.
Từ năm thứ hai trở đi sẽ lấy lãi suất cơ sở cộng với biên độ khoảng 3,5%/năm, tương đương khoảng 11%/năm.
Hiện mỗi tháng tiền gốc và lãi tôi phải trả là khoảng 5,5 triệu đồng. So với các ngân hàng gốc quốc doanh thì mức lãi suất này vẫn cao hơn nhưng so với mặt bằng chung của các ngân hàng thương mại thì chấp nhận được.
Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất ưu đãi này tôi phải mua thêm một gói bảo hiểm nhân thọ của Tpbank trong khi cả nhà tôi đã mua bảo hiểm nhân thọ từ rất lâu rồi” - anh Phong chia sẻ thêm.
Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ: “Ngân hàng không ép nhân viên tín dụng phải bán bảo hiểm cho khách hàng vay vốn nhưng do nhân viên được gắn với quyền lợi hoa hồng nên họ thường có xu hướng nài nỉ khách hàng mua thêm.”
Thực tế cho thấy tỉ trọng phí thu từ kênh bancassurance trong tổng phí bảo hiểm năm 2012 chỉ có vỏn vẹn ở mức 5%, thế nhưng chỉ trong nửa đầu năm 2021 tỉ lệ này đã lên tới 28,8%.
Số liệu thống kê cho thấy so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, doanh thu từ kênh bancassurance hiện nay đã xấp xỉ doanh thu từ kênh đại lý.