Những tên tuổi lớn đã đi vào lịch sử như thế
. Phóng viên: Tuổi trẻ ở Rlà một đề tài rộng. Ông lựa chọn góc nhìn nào để chọn lựa nhân vật cho bộ phim?
+ Đạo diễn Nguyễn Minh Trí: Dĩ nhiên tôi có tiêu chí tìm kiếm nhân vật trong số hơn 10.000 đoàn viên thanh niên ở 24 cơ quan Trung ương Cục. Tôi chọn giới thiệu những gương mặt được rèn luyện, trưởng thành trong nhiệm vụ cách mạng, lập nhiều chiến công như cô gái Nguyễn Thị Minh Hiền mới 19 tuổi đã ra nội thành, cải trang dưới nhiều vỏ bọc khác nhau để tiêu diệt gần 174 tên địch, có những tên ác ôn, tình báo. Hay như BS Dương Văn Hải, trong điều kiện chiến khu thiếu thốn, ông mạnh dạn ghép xương con voọc rừng cứu mạng đồng đội lúc nguy cơ. Phim cũng có hình ảnh những thanh niên thành thị từ bỏ cuộc sống sung túc, quyết tâm vào R sống đời sống gian khó, hiểm nguy như ông Nguyễn Hữu Châu (con luật sư Nguyễn Hữu Thọ), vừa tốt nghiệp tú tài thì vào R tải gạo, tải đạn, làm rẫy, chặt cây, cất nhà, đào hầm... rồi sau đó mới làm phát thanh viên chương trình tiếng Pháp. Những thanh niên miền Bắc viết đơn bằng máu tình nguyện vào R. Những con người như lời bài hát Giải phóng miền Nam: Thề cứu lấy nước nhà/ Thề hy sinh đến cùng/ Cầm gươm ôm súng xông tới...
Phim cũng giới thiệu những con người trưởng thành trong chiến tranh, sau giải phóng họ tiếp tục học tập và giữ những trọng trách lớn như bà Phạm Phương Thảo, ông Nguyễn Minh Triết, Trương Trọng Nghĩa, Phạm Chánh Trực…
Một thế hệ với hơn 10.000 đoàn viên, thanh niên chấp nhận rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, dấn thân vào mật khu R làm cuộc cách mạng giải phóng đất nước. Ảnh chụp từ bộ phim.
. Trong phim có hơn 100 nhân vật, có gây khó khăn cho ông trong việc tìm kiếm nguyên mẫu nhân vật?
+ Năm 16 tuổi, tôi vào R, bắt đầu bằng công việc thợ tráng phim rồi trở thành quay phim chiến trường. Tôi làm phim này như người trong cuộc nên việc liên hệ với đồng đội khá thuận tiện. Dù các nhân vật hiện nay sống rải rác khắp đất nước nhưng qua giới thiệu của đồng đội cũ, tôi cũng kết nối được. Bộ phim đồng thực hiện với CLB Truyền thống kháng chiến, Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam nên chúng tôi cũng thuận lợi trong việc tìm ra những nhân vật tiêu biểu nhất.
Ôm bạn trên tay đem đi chôn
. Thế hệ thanh niên trong phim của ông có phẩm chất gì theo ông là ấn tượng nhất?
+ Họ có một phẩm chất trong sáng và ý chí cao đẹp, coi tương lai của dân tộc là tương lai của chính mình. Để dễ hình dung, tôi kể một chi tiết trong phim về ban kinh tài của R. Họ có nhiệm vụ vận chuyển, bảo quản tiền vàng nhưng không ai tơ hào một đồng nhỏ của cách mạng. Một nhân vật trong phim đã kể kỷ niệm năm 1970, họ đi đổi tiền từ Campuchia về. Khuya đến khu vực Đầm Be có một chiếc Honda 90 bị sút bọc tiền rơi ra trên cả cây số, anh em cùng nhau dừng lại pha đèn lượm. Sáng kiểm tra không mất đồng nào.
. Một thời tuổi trẻ ở R gợi lại ký ức hào hùng, bi tráng của một thế hệ giờ đã tóc bạc, cảm xúc của họ ra sao khi sống lại những ngày tháng đó?
+ Khi tôi phỏng vấn họ, nhiều người đã khóc. Nhưng ai cũng nhớ như tạc những ngày tháng ở R. Có người sống bình dị và tưởng rằng họ đã bị lãng quên cùng với quá khứ nhiều hy sinh mất mát. Khi tôi nhắc lại, họ cảm thấy rất vui và tự hào. Tôi nghĩ bộ phim là nguồn động lực nhỏ góp phần động viên những người đã từng quên mình vì Tổ quốc. Làm phim, tôi cũng vô tình nhắc lại sự hy sinh xương máu của hơn 2.000 liệt sĩ ở R. Như anh Nguyễn Hữu Châu đã kể cho tôi sự hy sinh của đồng đội anh ấy. Một anh bạn rất trẻ đã bị rơi xuống sông trong một trận đánh. Ba ngày sau, anh Châu mới kiếm được xác đồng đội. Ôm bạn trên tay đem đi chôn, anh Châu nghĩ nếu còn sống, được trở về với gia đình, xem như anh mang một món nợ với các đồng đội đã nằm lại. Và đến nay anh Châu cùng nhiều cựu đoàn viên khác luôn đi thăm hỏi, động viên các gia đình liệt sĩ ở khắp miền đất nước.
. Khi bộ phim đã hoàn thành, ông còn tiếc nuối điều gì mà đoàn phim chưa làm được không?
+ Tôi cảm thấy nuối tiếc hai điều. Thứ nhất là nguồn tư liệu rất hiếm hoi. Mặc dù tôi đã cố gắng đi xin, mượn, gom góp hình ảnh tư liệu từ các cơ quan, hãng phim… nhưng nguồn tư liệu không đủ để khai thác vấn đề sâu hơn, ngóc ngách hơn. Thứ hai là do sức có hạn, tôi chưa khai thác góc nhìn về hoàn cảnh lao tù của các đoàn viên, thanh niên. Đó là một hoàn cảnh gian khó, kiên cường và đầy bản lĩnh của các cựu đoàn viên.
. Xin cảm ơn ông.
TRÀ GIANG