Tài sản của Vinashin có mất nhưng không mất hết!

Những con số thực hư và câu chuyện xác định trách nhiệm xoay quanh các món nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin (VNS) tiếp tục được các đại biểu “truy” đến cùng tại phiên chất vấn ngày 23-11. Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đều khẳng định: VNS nợ 86.000 tỉ đồng nhưng tài sản hơn 104.000 tỉ đồng nên không mất hết, chắc chắn là không mất hết!

Mở mắt ra phải trả 30 tỉ đồng tiền lãi?

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) thắc mắc, tổng tài sản trên giấy tờ của VNS gần 105.000 tỉ đồng nhưng với việc mua tàu, canô và một số thiết bị máy móc cũ, đầu tư dàn trải như trong báo cáo, giá trị tài sản trên thực tế của VNS còn bao nhiêu?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết theo báo cáo đến 30-6-2009, tổng tài sản của VNS là hơn 104.000 tỉ đồng, vốn nợ là 86.000 tỉ đồng. “Nợ nằm trong tài sản đó. Tôi nắm được có 110 nhà máy, 28 nhà máy hiện nay đang hoạt động tốt. Trong quá trình vay vốn, huy động vốn, VNS có mua một số tài sản, máy móc mà hiện nay theo các cơ quan cho rằng đó là vi phạm. Số tài sản đó không mất hết nhưng để xác định mất bao nhiêu thì bây giờ phải đánh giá”. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, hiện các cơ quan kiểm toán đang xác định giá trị thực các tài sản của VNS.

Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Vinashin hiện có 28/110 nhà máy hoạt động tốt. Trong ảnh: Hoàn thiện tàu chở dầu để hạ thủy của Tập đoàn Vinashin. Ảnh: TTXVN

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) tiếp tục hỏi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng: “Văn bản của bộ trưởng trả lời tôi nói rằng con số nợ của VNS 100.000 tỉ đồng là không chính xác. Tôi xin nói rằng con số 100.000 tỉ đồng này tôi lấy ở chính báo cáo của Chính phủ. Vậy số nợ này nó có lớn lên theo thời gian không, tức là có phải trả lãi cho nợ này không? Tôi tính rồi, nếu vay lãi 16%/năm thì nợ gốc cộng với lãi là 100.415 tỉ đồng, nếu vay lãi 19%/năm thì nợ gốc cộng lãi là 103.012 tỉ đồng. Như thế mỗi một ngày chúng ta mở mắt ra thì phải trả 30 tỉ đồng tiền lãi cho số nợ của VNS”.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định việc lỗ bao nhiêu các cơ quan đang tiếp tục làm nhưng không có câu chuyện lỗ 100.000 tỉ đồng. “Đã là doanh nghiệp, đã là đầu tư phát triển thì phải có vay, có nợ. Nhưng điều bất thường của VNS tức là nợ này đã vượt quá cao so với tỉ lệ cho phép. Tức là nợ trên vốn chủ sở hữu đã quá cao, lên tới 11 lần, thông thường khoảng 3 lần, 4 lần thì có thể trong giới hạn an toàn” - ông Dũng trình bày.

“Phải chăng chúng ta bất lực?”

Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) tiếp tục: “Chúng tôi vẫn chưa thấy rõ trách nhiệm của bộ, cụ thể là bộ trưởng Tài chính về vốn đối với VNS. Vậy trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ và bộ trưởng như thế nào?”.

Tương tự, đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM) băn khoăn: “Trong các báo cáo có nêu Bộ Tài chính ngay năm 2007 đã có thanh tra, đã có bốn lần kiểm tra định kỳ về việc sử dụng trái phiếu vay nước ngoài… Sau khi có các kiến nghị, có các báo cáo thì Thủ tướng cũng đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, tuy nhiên kết quả của VNS vẫn như ngày hôm nay. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu lực quản lý, phải chăng là chúng ta bất lực?”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 đã xác định trách nhiệm trước hết là của doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về huy động vốn. Chúng ta đổi mới cơ chế nên cũng giao quyền cho doanh nghiệp. Nhiều quyết định đầu tư và quyết định về phương hướng sản xuất cụ thể không phải báo cáo với bộ chủ quản, cũng không phải báo cáo với các bộ có chức năng quản lý nhà nước. Chính vì thế, Bộ Tài chính không phải là người duyệt phương án sản xuất, không duyệt phương án đầu tư.

“Về chính sách, cơ chế chung, nếu tôi tham mưu cho Thủ tướng ban hành, hoặc tham mưu cho Quốc hội ban hành sai thì tôi chịu trách nhiệm. Còn việc thanh tra, kiểm tra và giám sát, đối với VNS chúng tôi có thanh tra, kiểm tra, giám sát, có phát hiện ra. Trong đó cũng có những việc VNS có thực hiện, cũng có những việc thực hiện một phần, cũng có những việc chưa thực hiện hoặc không thực hiện”... Bộ trưởng Ninh cho rằng như vậy đã làm đúng với Luật Thanh tra.

Bộ trưởng cũng cho hay: hiện nay nợ của VNS vẫn trả đủ lãi và đến năm 2016 mới trả gốc. VNS có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh có hiệu quả nên được chọn tái cơ cấu để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm, có vốn trả nợ. Chính phủ không cấp vốn cho VNS trả nợ và cũng không trả nợ thay cho VNS.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng:

Sẽ công khai kết quả kiểm điểm vụ Vinashin

Vấn đề điều tra, xử lý vi phạm đã và đang tiến hành. Những người cố ý, những người làm trái sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra cũng đang làm một cách rất tích cực. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng đến các phó thủ tướng, các bộ trưởng liên quan và tập đoàn, tổng công ty rất công bằng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đang chủ trì việc tiến hành kiểm điểm, giúp Bộ Chính trị và Ban Bí thư làm công tác kiểm điểm một cách nghiêm túc. Kết quả kiểm điểm sẽ công khai trước công luận. Như vậy có thể nói là Bộ Chính trị đã chỉ đạo tái cơ cấu một cách tổng thể, toàn diện, không chỉ cơ cấu về kinh tế mà cả tư tưởng, cả nhân sự, cả kiểm điểm, kiểm tra, xử lý một cách nghiêm minh, tất cả công việc đó đang được tiến hành.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng lâm vào tình trạng phá sản thì không chỉ Vinashin, có thể nói toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu thế giới lâm vào tình trạng này như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Khi lâm vào tình trạng này, Hàn Quốc đã cứu ngành đóng tàu của họ bằng 25 tỉ đôla, bỏ ra chi phí để mua lại những con tàu đang đóng dở dang, bù giá 25%. Trung Quốc bỏ ra 60 tỉ đô la và cũng bù giá để mua lại những con tàu đang đóng dở dang. Bây giờ công nghiệp tàu thủy của Hàn Quốc và của Trung Quốc, nhất là Trung Quốc lên đầu. Còn chúng ta lâm vào tình trạng phá sản, không có tiền đổ vào, hoàn toàn công nợ và công ăn việc làm đình trệ. Tình trạng đó đặt chúng ta phải tái cơ cấu Vinashin. Việc tái cơ cấu cũng không đơn giản chút nào nhưng nếu như thiên thời mà tốt, tình hình thị trường thế giới phục hồi trở lại tốt, chúng ta thành công lớn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc:

Chúng tôi không có trách nhiệm trong vụ Vinashin

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong vấn đề Vinashin. Chúng tôi không có một trách nhiệm gì mà phải chịu trách nhiệm. Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 quy định rất rõ nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản trị nên chúng tôi có ý kiến lại sẽ trái luật. Chúng tôi chấp hành luật, mà luật thì do Quốc hội định. Nhiều lúc ta thông qua nhưng sơ hở quá, bộ trưởng không quản lý được, quyền quyết định tất cả từ hội đồng quản trị, tổng giám đốc quyết định hết. Cái sai này là đau lắm, thất thoát rất lớn, chúng ta phải rút ra và truy cứu trách nhiệm. Mỗi đại biểu chúng ta cũng phải có trách nhiệm ngay khi làm luật. Đây là bài học chung cho chúng ta, không riêng một ai cả, cho cả Quốc hội, cho cả Chính phủ và cho cả lãnh đạo nhà nước của chúng ta về việc thí điểm tập đoàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận:

Không thể nói Bộ Kế hoạch và Đầu tư vô can

Cách trả lời như Bộ trưởng Võ Hồng Phúc như thế là không được và không đúng. Vì nghị quyết của Bộ Chính trị khi cho thí điểm thành lập tập đoàn và tập đoàn khác với doanh nghiệp, khác với công ty trách nhiệm hữu hạn, khác với tất cả mô hình mà Luật Doanh nghiệp quy định. Đồng chí Võ Hồng Phúc mà nói như thế này thì Quốc hội chịu trách nhiệm hết cả, theo tôi không phải. Ở đây phải chăng khi Bộ Chính trị ra nghị quyết đồng tình, cho phép tổ chức thí điểm tập đoàn thì bản thân Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình ra Chính phủ, trình ra Quốc hội sửa đổi Luật Doanh nghiệp, hoặc trình ra Quốc hội một nghị quyết về tổ chức, hoạt động của tập đoàn. Đồng chí không thể nói Bộ Kế hoạch và Đầu tư vô can.

THÀNH VĂN - THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới