Chuyện tăng lương từ ngày 1-7-2023 đã được Quốc hội quyết nghị từ cuối năm 2022. Từ đó đến nay các công tác chuẩn bị nguồn lực, lập quy tiếp theo được tiến hành khá rốt ráo dù những tác động của tình hình trong, ngoài nước vẫn là một áp lực, nền kinh tế vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch COVID-19. Đây là một nỗ lực lớn.
Tăng lương là một chuyện vui với rất nhiều người vì ít nhiều sẽ nâng cao đời sống,thu nhập, cải thiện các mặt sinh hoạt của người lao động.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi hồi tháng 11-2022 cho hay: Để tăng lương cơ sở và chi phụ cấp cho các chính sách kéo theo việc tăng lương cần nguồn lực 60.000 tỉ đồng. Lãnh đạo Chính phủ gần đây cũng luôn khẳng định có đủ nguồn lực để đáp ứng quyết sách tăng lương của Quốc hội.
Còn đối với những người hưởng lương, ngoài chuyện giá điện mới tăng 3% thì áp lực giá cả tiêu dùng từ bó rau, con cá đến chi phí học hành, y tế… vẫn thường trực. Cuộc rượt đuổi giữa “giá và lương” dường như chưa bao giờ chấm dứt. Thậm chí nó còn trở thành “quy luật” khi cứ lương tăng là giá tăng theo. Nỗi lo của người hưởng lương là như vậy.
Dĩ nhiên, Chính phủ đã và sẽ còn có nhiều giải pháp như hoãn, giảm thuế, phí… để ngăn chặn đà tăng giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu với đời sống nhưng nhiều người vẫn không khỏi lo lắng trước câu chuyện “lương tăng giá tăng”.
Tuy vậy, cần phải thấy rằng việc tăng lương cơ sở hiện nay cũng chỉ là một giải pháp tình thế. Vì nếu chiếu theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương thì yêu cầu về “cải cách tiền lương” mang nhiều nội dung rất đột phá. Sự tiếc nuối với “Đề án cải cách tiền lương” của nhiệm kỳ trước chắc hẳn vẫn còn vì thực ra đề án đó rất tiến bộ.
Dĩ nhiên, đề án này có thể sẽ sớm được khởi động lại vì cuối năm 2022, khi trả lời đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho hay: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết 27 của Trung ương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm phù hợp.
Về lâu dài, có lẽ giải pháp căn cơ vẫn là thực hiện cho bằng được mục tiêu đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao như Đại hội XIII đã xác định. Vì dù thu nhập đầu người của Việt Nam hiện đã tăng lên trên 4.162 USD nhưng vẫn xếp thứ 117 thế giới, tức là vẫn còn thấp.
Biết rằng để lo cho cả 100 triệu dân với một nước đang phát triển không phải là bài toán dễ. Nhưng cứ mỗi lần tăng lương thì người hưởng lương lại vừa mừng vừa lo… thì hẳn đó là nỗi trăn trở, băn khoăn không chỉ của các cấp lãnh đạo. Chỉ khi nào đất nước thực sự mạnh về kinh tế và có trình độ phát triển cao thì định hướng “lan tỏa thành quả phát triển cho mọi người” mới thực hiện được.
Điều này cũng phù hợp với điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hơn một lần phát biểu: “Có biến nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không; có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công…”.