Dưới đây xin trích đăng ý kiến của bạn đọc MH: Mục đích tăng thuế, nhất là VAT, để làm gì? Hiện nay Nhà nước đang khuyến khích tiêu dùng, kêu gọi và ưu đãi đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất để phát triển kinh tế-xã hội. Trong khi VAT là khoản thuế đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa và là thuế gián thu thông qua nhà sản xuất mà trực tiếp là người tiêu dùng phải chịu.
Như vậy, liệu có đi ngược lại với chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân của Nhà nước hay không? Thuế tăng đồng nghĩa với giá cả hàng hóa tăng trong khi thu nhập người dân thì thấp. Do đó, việc tăng thuế chỉ làm tăng gánh nặng cho người dân.
Hệ lụy dây truyền sẽ đổ khó khăn lên người dân và DN. Ảnh: HTD
Về tỉ lệ thuế suất, có nước thuế suất cao hơn nhưng cũng có nước thuế suất thấp hơn Việt Nam thì tại sao cứ lấy nước phát triển có thuế suất cao để điều chỉnh thuế suất mà không so sánh với nước có thuế suất thấp hơn Việt Nam? Thuế là công cụ điều tiết trong xã hội nhưng phải dùng đúng chỗ thì có hiệu quả, ngược lại chỉ làm khổ cho người dân và là gánh nặng cho DN bởi giá cả hàng hóa tăng thì chẳng ai mua.
CHUYÊN GIA NÓI TS LÊ ĐĂNG DOANH, chuyên gia kinh tế: Lo doanh nghiệp không thể cạnh tranh, phá sản Cần hết sức thận trọng với việc tăng thuế và nên thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về điều chỉnh ngân sách và giảm chi, tiết kiệm, không phải tăng thuế. Bởi tăng thuế sẽ đánh vào các mặt hàng thiết yếu, đánh vào người nghèo. Điều này không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng. Mức thuế, phí hiện nay so với thu nhập đã quá cao rồi. Nếu thu nữa thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và DN. Đặc biệt, khi DN gặp khó khăn do thuế tăng lên thì không thể cạnh tranh, thua trên sân nhà, phá sản, không tạo ra công ăn việc làm, không nộp thuế cho ngân sách được nữa. Tôi cho rằng có thể tăng thuế đối với một số mặt hàng như thuốc lá, rượu trên 40 độ, bia… để điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Tuy thế, cũng không nên tăng đồng loạt và không tăng quá cao. Với mặt hàng thiết yếu thì không nên tăng. Mặt khác, chúng ta thấy rằng chi thường xuyên đã lên tới 71%-72%, cộng thêm 24,5% chi trả nợ. Vậy chúng ta hầu như không còn tiền để đầu tư, phát triển. Toàn bộ đầu tư lại phải vay nợ. Đó là điều hết sức đáng lo ngại. Do đó chi thường xuyên phải giảm, chống lãng phí, chi tiêu không hiệu quả. Đối với các nước, việc giám sát chi phải nghiêm ngặt và đưa vào luật, có cơ quan giám sát thường xuyên, tránh hiện tượng chi lãng phí như giao lưu, tiếp khách, đi nghiên cứu nước ngoài… Hơn nữa, chúng ta thấy nhiều dự án ngàn tỉ đồng đang trùm mền, đắp chiếu. Cần phải công khai, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình để tìm ra người chịu trách nhiệm. Nếu cá nhân nào sai sót về hành chính thì xử lý hành chính, sai sót về tài chính thì phải xử lý tài chính nhằm thu hồi tài sản… Không thể nào làm thất thoát tiền của dân mà lại vô can. Nếu chúng ta có một giải pháp đồng bộ như vậy thì khó khăn mới được giải quyết và tăng thuế không trở thành biện pháp cuối cùng. Ông PHẠM ĐÌNH THI, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính: Điều chỉnh thuế để… phù hợp với thông lệ quốc tế Bộ Tài chính đưa ra đề xuất dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân, VAT, Thuế thu nhập DN, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế tài nguyên nhằm thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế; khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho DN… Thực tế cho thấy các quốc gia tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo quy định trong FTA, các loại thuế nhập khẩu đều được giảm và về 0%. Thứ hai, nợ công các nước trên thế giới, trong đó có cả các nước phát triển ở mức rất cao. Do đó, việc tăng VAT đang là xu hướng trên thế giới. Ở Nhật Bản, VAT đã được điều chỉnh lên 7% từ mức 5% trước đó. Tháng 10-2019, Nhật Bản có dự kiến sẽ tăng VAT lên mức 10%. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, mức tăng đã được điều chỉnh gần gấp đôi. Ở khu vực ASEAN, thuế suất VAT 7% ở Thái Lan cũng sắp thay bằng 10% kể từ đầu năm 2018… Đúng là người nghèo chịu tác động của việc tăng VAT nhưng ở mức độ nào thì cần có đánh giá cụ thể. Bởi thực tế nhiều nhóm đối tượng hiện nay không chịu VAT như nông sản, lâm sản, thủy sản, y tế, giáo dục!? Các nhóm này chiếm khá lớn trong chi tiêu. Như vậy, chỉ còn khoảng mười mấy phần trăm hàng hóa dịch vụ mua chịu VAT. Trong đó có nhóm bắt buộc phải mua, ai cũng phải sử dụng như năng lượng. Tuy nhiên, các chính sách an sinh xã hội đang được áp dụng như trợ giá điện cho người nghèo mỗi tháng. Bên cạnh đề xuất tăng thuế, Bộ Tài chính đang tổng hợp các chính sách an sinh xã hội hiện hành để đề xuất Chính phủ tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo. Năm sắc thuế được điều chỉnh lần này chỉ là một phần trong kế hoạch cơ cấu lại nền tài chính quốc gia, gồm hai mảng thu và chi. Về thu, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 5/10 sắc thuế . Khi thuế suất nhập khẩu giảm thì phải thay đổi cơ cấu thu theo hướng tăng tỉ trọng thu nội địa. Đề xuất tăng năm sắc thuế cũng tính tới điều kiện khó khăn cho DN khi chỉ 20% trong hơn 567.000 có kê khai thuế. TRÀ PHƯƠNG |