Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: Đi tìm lộ trình tối ưu cho nền kinh tế

(PLO)- Bộ Tài chính đang nghiên cứu các ý kiến góp ý cho Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để trình Chính phủ .

Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật pháp lệnh của Quốc hội. Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2024.

Một trong những nội dung chính của lần sửa đổi này là tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá và bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối bên cạnh thuế tỷ lệ phần trăm hiện hành.

Tính ưu việt của hệ thống thuế hỗn hợp

Chính phủ Việt Nam đã có những chiến lược, mục tiêu tổng thể và kế hoạch đặt ra đối với ngành thuốc lá, được quy định tại Quyết định 508/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23-4-2023 về “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” (Quyết định 508) và Quyết định 2439/QĐ-BTC ngày 22-11-2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính “Kế hoạch cải cách hệ thống Thuế đến năm 2025 (Quyết định 2439), cũng như cam kết của Việt Nam thông qua Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các nước tham gia, trong đó có Việt Nam được khuyến nghị thực hiện Điều 6 của Công ước khung. Đó là “Các bên nên thực hiện và triển khai hệ thống thuế đơn giản và hiệu quả nhất phù hợp nhu cầu về tài chính và sức khỏe cộng đồng. Các Bên nên xem xét thực hiện hệ thống thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp với một mức tuyệt đối sàn tối thiểu, vì các hệ thống thuế này có nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống thuế tương đối đơn thuần”.

Các đại biểu thảo luận về lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế tại Hội thảo về chính sách thuế TTĐB ngày 9-8-2022.

Riêng về chiến lược cải cách thuế TTĐB của Việt Nam cho giai đoạn 2021-2030, Quyết định 508 và Quyết định 2439 nêu rõ “xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ôtô… để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế”.

Chính vì vậy, phương thức áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối (thuế hỗn hợp) đối với mặt hàng thuốc lá là hướng đi đúng đắn, đang nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế, đồng thuận cao trong xã hội cũng như phù hợp với xu hướng thế giới.

Theo các chuyên gia, phương pháp tính thuế theo thuế tỷ lệ tính trên giá xuất xưởng hiện nay có nhiều hạn chế, như tăng khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá, không khuyến khích đầu tư và nâng cao chất lượng để giảm chi phí thuế, giảm giá bán, khó xác định giá thực của sản phẩm để tính thuế…

Việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp sẽ đảm bảo cho chính sách thuế TTĐB hiệu quả đối với mục tiêu tăng giá, góp phần định hướng giảm tiêu dùng sản phẩm thuốc lá giá rẻ (sản phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác hại đến sức khỏe nhanh hơn và có hại hơn so với thuốc lá có giá cao cấp). Đồng thời, hạn chế sự tiếp cận đối tượng hút thuốc mới là giới trẻ đối với thuốc lá giá thấp. “Nhược điểm lớn nhất của hệ thống thuế tương đối là khó dự đoán nguồn thu ngân sách và gây khó khăn cho công tác quản lý khi thuốc lá lậu có nguy cơ gia tăng, không thúc đẩy nhà sản xuất đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá thành vì gánh nặng thuế sẽ tăng theo hiệu ứng số nhân của cơ cấu thuế. Do đó, mục tiêu hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm có chất lượng cao hơn sẽ khó lòng đạt được”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam nhận định.

Lãnh đạo PwC Việt Nam khuyến nghị chính sách thuế TTĐB nên tăng từ từ với mức tăng cao hơn tỉ lệ lạm phát.

Cũng theo bà Vân, so với thuế tương đối mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay, hệ thống thuế hỗn hợp sẽ khuyến khích nhà sản xuất đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng người tiêu dùng chuyển đổi sang tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá có chất lượng tốt hơn, giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe. Hệ thống thuế hỗn hợp cũng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho mục tiêu giảm sản lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá. “Ở giai đoạn hiện nay, Việt Nam có thể chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp, sau đó tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc”, bà nhấn mạnh.

Lộ trình tăng thuế phù hợp hài hòa các mục tiêu khác nhau

Theo các chuyên gia, việc tăng thuế cần thực hiện một cách thận trọng và có lộ trình hợp lý phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội để hỗ trợ tốt nhất cho các mục tiêu mà Chính phủ đề ra, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực tới ngành thuốc lá, thị trường thuốc lá hợp pháp cũng như tất cả người lao động tham gia vào chuỗi cung ứng.

Nói về vấn đề này, tại Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt - Hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh” được tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nên có lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lộ trình này cần cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết.

“Chúng tôi ủng hộ phương án tăng thuế theo lộ trình, theo đó, trong năm đầu tiên, bên cạnh thuế suất 75% bổ sung thêm thuế tuyệt đối ở mức 500 đồng/bao. Tiếp đến nâng dần theo lộ trình 500 đồng/bao mỗi năm”, bà Cúc phân tích.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng thuế tuyệt đối nên được nâng dần mỗi năm.

Cụ thể, tăng thuế TTĐB cần lộ trình hợp lý từ 2025 để tránh tác động môi trường - xã hội như nông dân bị thu hẹp vùng trồng, khi sản lượng sản xuất của các công ty lớn sụt giảm, các công ty sẽ không thể hỗ trợ người trồng thuốc lá một cách tích cực như trước đây. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến sinh kế, thu nhập của người trồng thuốc lá lẫn công nhân.

Theo các thống kê, hiện tại, 38 doanh nghiệp sản xuất thuốc lá tạo ra khoảng hơn 1,1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Con số này bao gồm khoảng 10.000 công nhân viên trong các công ty thuốc lá, khoảng 5.000 nhân viên phân phối tại hơn 500 nhà phân phối, 110.000-120.000 nông dân trồng cây thuốc lá và khoảng 1 triệu người bán lẻ trên khắp cả nước.

Nhìn chung, việc chuyển đổi sang hệ thống thuế hỗn hợp là hướng đi hoàn toàn đúng đắn khi thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đồng thời cũng phù hợp với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá cần được thực hiện từng bước, với mức độ vừa phải để tránh gây sốc cho thị trường. Kế hoạch tăng thuế TTĐB cần có lộ trình hợp lý và có tính định hướng dài hạn để giúp các doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng, lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhằm đạt được một cách hài hòa mục tiêu Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng cũng như giúp đảm bảo sự ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước, hạn chế sự gia tăng đột biến của thuốc lá lậu, từ đó hỗ trợ chuyển đổi ngành thuốc lá sang cơ cấu sản phẩm có chất lượng tốt hơn, ít độc hại hơn.

Mục tiêu cần hướng đến khi sửa đổi thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá

- Khuyến khích các nhà sản xuất nâng cao chất lượng thuốc lá để giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe;

- Giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, đóng góp vào mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng;

- Góp phần kiểm soát thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả;

- Nuôi dưỡng nguồn thu và tăng thu ngân sách Nhà nước từ thuế bền vững;

- Giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt xã hội…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới