Băn khoăn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, nước giải khát

(PLO)- Ngày 21-2, Bộ Tài chính lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) tới các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các hiệp hội có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật, đồng thời đăng tải hồ sơ lấy ý kiến lên website của Bộ Tài chính và Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đáng chú ý, đề xuất lần này có bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Theo giải trình của Bộ Tài chính, việc bổ sung những mặt hàng này vào Luật thuế TTĐB là nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Trong khi còn rất nhiều ý kiến trái chiều về tính hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề về sức khỏe, chính sách thuế mới này chắc chắn sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với sự phát triển của ngành nước giải khát nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Cần đánh giá các tác động kinh tế xã hội một cách toàn diện

Theo TS Phạm Tuấn Khải – Chuyên gia luật cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ: “Trong giai đoạn hiện nay, cần phân tích nhiều yếu tố, cả về sức chịu đựng của doanh nghiệp, ảnh hưởng của dịch COVID, ảnh hưởng của các điều kiện quản trị từ phía nhà nước để có đánh giá toàn diện. Một đề xuất nữa là việc xây dựng dự án luật thuế TTĐB này liên quan đến hành vi tiêu dùng cho nên không chỉ dừng ở việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp mà cần lấy ý kiến của cả người tiêu dùng – những người chịu tác động của dự án luật này để họ được tham gia nhiều hơn, và việc lấy ý kiến khoa học và hiệu quả hơn.”

Với tình hình kinh tế như hiện nay, cơ quan soạn thảo cần tiến hành đánh giá đầy đủ những tác động dự kiến về kinh tế – xã hội một cách toàn diện hơn bao gồm không chỉ những phân tích mang tính định tính (như bản báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính hiện nay) mà còn cần có cả những số liệu mang tính định lượng để có thể cân đối được lợi ích – chi phí của chính sách, nhằm đưa ra những lựa chọn tối ưu.

Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương tiến hành năm 2018 đã chỉ ra tác động tiêu cực về mặt kinh tế xã hội của thuế TTĐB đối với các sản phẩm nước giải khát có đường lớn hơn nhiều so với mức thuế mà Bộ Tài chính có thể thu về cho ngân sách nhà nước. Cụ thể là, doanh thu từ thuế gián thu có thể giúp tăng thêm cho ngân sách nhà nước khoảng 1.975 tỷ đồng, nhưng doanh thu và sản lượng của ngành nước giải khát sẽ giảm khoảng 3.928 tỷ đồng, dẫn tới doanh thu từ các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ giảm theo. Bên cạnh đó, hơn 20 ngành công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng của ngành nước giải khát như ngành mía đường, ngành bao bì, bán lẻ, vận tải… cũng bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra, các tác động về xã hội như công ăn, việc làm của người lao động cũng có thể bị ảnh hưởng. Hệ quả là tăng trưởng GDP có thể sẽ giảm hơn 0,1%, thu nhập từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,16%, thặng dư sản xuất giảm 0,10%, lao động giảm 0,11% .

Kinh nghiệmquốc tế

Kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới cũng cho thấy chính sách này có thể gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội. Ví dụ, tại Mêhicô, thuế TTĐB đối với đồ uống có đường khiến 30.000 cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa, ngành bán lẻ mất 50.000 việc làm trong khi đồ uống có đường và các công ty nông nghiệp trong chuỗi cung ứng mất 10.800 việc làm.

Đan Mạch cũng là một quốc gia đã từng áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm đồ uống có đường từ những năm 30 của thế kỷ trước (1930)[1] nhưng đã bác bỏ sắc thuế này vào tháng 1 năm 2014 do sắc thuế này kém hiệu quả trong khi mang lại thiệt hại lớn về mặt kinh tế.

Doanh nghiệp cần chính sách thuế ổn định để phục hồi sau đại dịch

Ngành nước giải khát là một trong những ngành gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 gây ra. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống, đặc biệt là ngành nước giải khát giảm sút đáng kể trong năm 2020, với doanh thu toàn ngành giảm 8% so với năm 2019, trong đó riêng nước giải khát có mức sụt giảm doanh thu là 17%.

Đến năm 2021, tác động của dịch COVID-19 tới doanh nghiệp trong ngành đồ uống vẫn rất tiêu cực và nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có tới 45,83% số doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2021 tiếp tục giảm so với năm 2020. Về lợi nhuận, hơn 2/3 số doanh nghiệp cho hay, lợi nhuận vẫn giảm sâu.

Mặc dù năm 2022 đã có dấu hiệu phục hồi, ngành đồ uống lại tiếp tục đương đầu với các vấn đề khác. Theo dự báo, năm 2023, ngành đồ uống tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả đại dịch COVID-19 cần phải khắc phục trong nhiều năm; ở tầm vĩ mô trên trên thế giới là cuộc xung đột Nga – Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng, suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu; còn trong nước lạm phát có dấu hiệu nóng hơn.

Vì vậy, nếu áp dụng chính sách thuế TTĐB với ngành đồ uống thì chắc chắn các doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đặc biệt, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ do không có đủ khả năng tài chính để cạnh tranh và duy trì qui mô sản xuất khi chi phí tài chính tăng lên và lợi nhuận sẽ giảm xuống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm