Tăng tốc cho năng lượng tái tạo

(PLO)- Theo các chuyên gia, để năng lượng tái tạo ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ cần thêm các động lực từ chính sách thực tế sau những cam kết mạnh mẽ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khuôn khổ của Diễn đàn “TP.HCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chiều 6-12, phiên thảo luận chủ đề "Thách thức và giải pháp cho ngành sản xuất, năng lượng tái tạo và quản lý rác thải đô thị, công nghiệp” đã diễn ra sôi nổi. Phiên thảo luận được dẫn dắt bởi TS Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý (CTELG), Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH).

năng lượng tái tạo
Phiên thảo luận "Thách thức và giải pháp cho ngành sản xuất, năng lượng tái tạo và quản lý rác thải đô thị, công nghiệp". ẢNH: PLO

Luật, doanh nghiệp đã sẵn sàng

Tại phiên thảo luận, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội thiên nhiên và bảo vệ môi trường, nhận định hiện nay các cơ chế chính sách về môi trường, tái chế gần như đã được quy định một cách rõ ràng và đầy đủ. Ngay cả với các doanh nghiệp không có khả năng tái chế, luật cũng quy định các đơn vị này phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

"Dĩ nhiên trong quá trình làm thực tế sẽ có những vấn đề phát sinh và cần phải giải quyết bằng văn bản, luật. Thực tế, chúng ta khó ở đâu sẽ gỡ ở đó nhưng nhìn chung Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện các khung văn bản pháp luật đối với vấn đề tái chế"- ông Sỹ nói.

GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định xu hướng hiện nay của các quốc gia trên thế giới là tiết kiệm tài nguyên, trong đó chất thải cũng được coi là một dạng tài nguyên. Kinh tế tuần hoàn là một xu thế tất yếu.

Hiện nay, tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn về mặt tự nhiên và địa lý. Chúng ta có rất nhiều nguồn năng lượng, ví dụ nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng từ gió để khai thác.

Để phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, GS.TS Lê Thanh Hải cho rằng Chính phủ cần có những hành động cụ thể. Điển hình cần đưa ra chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn đất nước trong từng giai đoạn. Qua đó sẽ đưa được giải pháp, chương trình để phát triển trong từng năm.​

Với góc độ hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch CLB doanh nhân Sài Gòn, đánh giá doanh nghiệp là đơn vị trực tiếp sản xuất sản phẩm, sau đó khi đi hết vòng đời sản phẩm sẽ tạo ra phế thải công nghiệp. Những sản phẩm này gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử như các sản phẩm bình ắc quy, pin, chất đốt, năng lượng…

năng lượng tái tạo
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch CLB doanh nhân Sài Gòn.

Thực tế các doanh nghiệp phải nộp một khoản phí cho đơn vị xử lý rác thải, vấn đề đặt ra là làm sao tác động được để giảm khoản phí này. Đây là bài toán cần được giải quyết về lâu dài.

Muốn làm xanh hãy bắt đầu từ điều nhỏ

Để làm kinh tế xanh, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, các doanh nghiệp nên bắt đầu từ những điều nhỏ như tiết kiệm nguyên nhiên liệu từ nước, điện, rác... trong quá trình sản xuất.

"Làm kinh tế xanh là giảm phát thải ít nhất, mà muốn giảm phát thải ít thì phải tính toán việc tiêu hao nguyên nhiên vật liệu ngay từ khi đầu vào"- ông Sỹ nói.

Thông qua tiếng nói doanh nghiệp, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ-Chủ tịch CLB doanh nhân Sài Gòn cho rằng có thể có những phương thức khuyến khích, cho phép doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực tái tạo năng lượng, tái tạo rác thải, phế thải công nghiệp.

Ở TP.HCM có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực nhựa, bao bì… có thể sử dụng nguồn phế liệu tái tạo này. Tuy nhiên, chi phí sử dụng nguồn rác thải này là vấn đề cần thảo luận. Trên thực tế, mạng lưới sử dụng phế thải chưa được quan tâm đúng mức, các doanh nghiệp chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước.

"Chính vì vậy, Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tái tạo từ rác thải, phế thải độc hại. Muốn doanh nghiệp đầu tư thì phải có lợi nhuận, có đầu ra" - ông Vũ đặt vấn đề.

Ông Vũ cho rằng để phát triển được cần một chuỗi phối hợp liên hoàn. Trong chuỗi này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của nhà khoa học, chuyên gia trong vấn đề tái tạo xong sử dụng thế nào, sản xuất ra sao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ về chính sách.

"TP.HCM không thiếu doanh nghiệp dám đầu tư vào lĩnh vực này nhưng quan trọng là cơ chế chính sách, có hệ thống thu gom không, có đầu ra cho sản phẩm không? Hiện nay, TP có những chính sách, ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng chưa đủ sức hấp dẫn.

Bên cạnh đó, tâm lý cộng đồng, người dân e ngại, hoang mang về chất lượng sản phẩm tái chế. Từ đó đặt ra vấn đề làm sao để phải đảm bảo được sản phẩm tái chế vẫn đảm bảo chất lượng, tốt như sản phẩm nguyên sinh"- ông Vũ lưu ý.

Với góc độ quản lý chính sách, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT, nhận định câu chuyện về năng lượng tái tạo hiện nay xoay quanh các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra với quốc tế.

nang-luong-tai-tao_5.jpg
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT. ẢNH: PLO

“Việt Nam đã và đang thể hiện sự sẵn sàng, nỗ lực đồng bộ trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát triển bền vững với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050"- PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch điện VIII, định hướng phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và sinh khối, đồng thời giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Việt Nam đang triển khai một loạt chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi xanh, giảm phát thải và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được các cam kết quốc tế về phát triển bền vững.

"Các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các cam kết giảm phát thải, hiểu rõ về lợi ích lâu dài của mô hình phát triển bền vững" - ông Thọ nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm