Ông Quân nhận xét với những số liệu sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ đạt được cho đến thời điểm hiện nay, khả năng tăng trưởng GDP của TP năm 2015 sẽ đạt trên 10% so với kế hoạch đề ra là 9,5%-10%. Nền kinh tế TP thể hiện sự phát triển qua tổng thu ngân sách của TP cả năm nay dự ước đạt trên 260.000 tỉ đồng, tăng 4.000 tỉ đồng so với dự toán ban đầu. Trong 10 tháng đầu năm nay, TP đã thu ngân sách đạt 225.972 tỉ đồng, bằng 85,2% kế hoạch năm.
Cũng tại cuộc họp, ông Quân yêu cầu các sở, ban ngành tập trung thực hiện quyết liệt và hiệu quả những giải pháp của TP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ông Quân cũng chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện hơn nữa về lãi suất để các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn vay, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho đổi mới thiết bị, sản xuất và kinh doanh.
Theo đánh giá chung của UBND TP, tình hình kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước; tình hình đầu tư nước ngoài chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, thu hút đầu tư nước ngoài của TP tiếp tục tăng.
TP.HCM thu được 1,7 tỉ đồng phí xe máy Tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội 10 tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP cho biết sáu quận, huyện tại TP.HCM gồm quận 4, 9, 11, Phú Nhuận, Thủ Đức và Bình Chánh đến nay đã thu được 1,7 tỉ đồng phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, trong khi các quận, huyện khác chưa tiến hành thu. Trong hai tháng cuối năm 2015, TP vẫn tiếp tục thu và dự kiến đến đầu năm 2016 mới dừng thu loại phí này. Theo tính toán trước đó, nếu thu ở mức thấp nhất 50.000 đồng/xe thì với gần sáu triệu xe máy ở TP, mỗi năm TP.HCM sẽ có thêm 290 tỉ đồng tiền phí bảo trì đường bộ dành cho việc sửa chữa đường. Tuy nhiên, đó mới chỉ là lý thuyết vì thực tế việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy rất khó khăn, số phí thu được rất thấp. |