TASS: Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga có thể đã tham chiến tại Ukraine

(PLO)- Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin tiêm kích tàng hình Su-57 đã được triển khai trong chiến dịch quân sự tại Ukraine và tiêm kích này hoạt động ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không đối phương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một báo cáo đăng trên truyền thông nhà nước Nga nói rằng tiêm kích tàng hình thế hệ mới Su-57 đã được triển khai trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Su-57 có thể đang tham chiến ở Ukraine

“Tiêm kích Su-57 được triển khai ở Ukraine 2-3 tuần sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt” – hãng thông tấn TASS của Nga hôm 20-5 dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng tiết lộ.

Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS

Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS

Nguồn tin nói thêm máy bay Su-57 hoạt động ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không đối phương.

Chưa có bình luận chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga.

Theo trang The EurAsian Times, hai tuần sau khi nổ ra chiến sự, ngay trước khi Nga và Ukraine bắt đầu đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, mạng xã hội lan truyền tin đồn Quân khu phía Nam của Nga đã triển khai Su-57 tới Ukraine.

Bên cạnh đó, truyền thông địa phương đưa tin một tiêm kích tương tự như Su-57 đã được phát hiện tại vùng Zhytomyr của Ukraine chỉ vài giờ trước khi ngoại trưởng hai nước tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi tháng 3, một video chưa được kiểm chứng xuất hiện trên mạng xã hội, trong đó ghi lại một tiêm kích Su-57 bay ở phía bắc Ukraine. Tuy nhiên, chất lượng video quá kém không thể đưa ra nhận định chắc chắn.

Sự triển khai Su-57 trong chiến đấu

Nếu Bộ Quốc phòng Nga xác nhận thông tin triển khai Su-57 ở Ukraine, đây sẽ là lần đầu tiên tiêm kích tàng hình Nga được sử dụng trong nhiệm vụ chiến đấu. Một nguyên mẫu Su-57 đã được đưa tới căn cứ không quân Khmeimim ở Syria năm 2018 và 2019. Su-57 đã bắn tên lửa hành trình, có thể là Kh-59MK2 trong một trong những lần triển khai trên.

Động cơ của nguyên mẫu Su-57 gặp trục trặc do lỗi hệ thống nén khí tại Triển lãm hàng không quốc tế MAKS tháng 8-2011. Ảnh: Author Rulexip/WIKIMEDIA COMMONS

Động cơ của nguyên mẫu Su-57 gặp trục trặc do lỗi hệ thống nén khí tại Triển lãm hàng không quốc tế MAKS tháng 8-2011. Ảnh: Author Rulexip/WIKIMEDIA COMMONS

Năm 2018, Bộ Quốc phòng Nga công bố video cho thấy tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của nước này thực hiện các đợt xuất kích ở Syria. Video đi kèm một tuyên bố rằng Su-57 đã bay khoảng 10 lần tại Syria tháng 2-2018. Nhiều người tin rằng Nga đã sử dụng Syria làm nơi thử nghiệm, kiểm tra Su-57.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó tuyên bố các chuyến bay được thực hiện nhằm xác nhận khả năng đã tuyên bố về máy bay mới này trong môi trường chiến đấu thực sự.

Su-57 được cho đã ném bom vào lực lượng nổi dậy Syria và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Đợt triển khai Su-57 lần thứ hai trong chiến đấu tại Syria diễn ra vào năm 2019.

Su-57 có thể thực hiện nhiệm vụ gì ở Ukraine?

Theo trang The Drive, việc đưa tiêm kích Su-57 tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine là động thái phù hợp với hoạt động của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga.

Chiến thuật hoạt động ngoài tầm bắn của lực lượng phòng không đối phương giúp giảm nguy cơ tiêm kích Su-57 bị bắn hoặc rơi do trục trặc kỹ thuật, The Drive nhận định.

Tiêm kích Su-35S phóng tên lửa R-37M. Ảnh: RUSSIAN MINISTRY OF DEFENSE SCREENCAP

Tiêm kích Su-35S phóng tên lửa R-37M. Ảnh: RUSSIAN MINISTRY OF DEFENSE SCREENCAP

Với nhiệm vụ không đối không, hoạt động ngoài không phận Ukraine cũng sẽ không phải là trở ngại lớn đối với tiêm kích hiện đại nhất của Nga. Tên lửa không đối không R-77-1 cơ bản được lắp trên kiêm kích Su-35S có tầm bắn 110 km, trong khi biến thể cải tiến K-77M được thử nghiệm trên Su-57 được cho có tầm bắn gấp đôi.

Su-57 còn có thể mang tên lửa tầm xa Izdeliye 810. Đây là phiên bản phát triển từ dòng R-37M để giấu trong khoang vũ khí của Su-57. Tính năng của tên lửa Izdeliye 810 chưa được tiết lộ nhưng có thể tên lửa này đang được thử nghiệm trên Su-57. Theo dữ liệu từ nhà sản xuất, tên lửa R-37M cơ bản có thể tiêu diệt một số loại mục tiêu trên không từ khoảng cách 200 km.

Cũng theo The Drive, cũng có khả năng Su-57 được sử dụng cho nhiệm vụ không đối đất ở Ukraine, cho phép không quân Nga tiến hành các cuộc thử nghiệm trong chiến đấu đối với một số loại vũ khí mới được phát triển riêng cho mẫu tiêm kích này, trong đó có tên lửa hành trình Kh-69.

Tiêm kích Su-57 được thiết kế làm tiêm kích chiếm ưu thế trên không. Đây là ứng viên phù hợp nhất để kiểm soát vùng trời Ukraine, đặc biệt khi đối phó các máy bay và hệ thống phòng không thời Liên Xô.

Bên cạnh cơ hội thử nghiệm khả năng của vũ khí mới và hệ thống cảm biến của Su-57 trong môi trường tác chiến thực tế, triển khai Su-57 trong chiến dịch ở Ukraine có thể cải thiện triển vọng xuất khẩu tiêm kích này và có thêm đơn đặt hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm