Trong ngày, 30 người cũng được UBND quận 4 đưa đi bàn giao cho các trung tâm bảo trợ xã hội, những người còn lại tiếp tục được chăm lo tại chỗ.
Tiêm vaccine cho tất cả người lang thang, cơ nhỡ
Ngày 25-8, tại địa điểm tập trung người lang thang, cơ nhỡ ở trường THCS Nguyễn Huệ (phường 2, quận 4) UBND quận 4 phối hợp với Trung tâm Y tế quận và các đơn vị liên quan đã trung sàng lọc, tiêm chủng vaccine COVID-19 cho tất cả bà con.
Với phương châm không để ai đói khổ, không để ai lại phía sau, 100 người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ đã được sàng lọc, qua đó Trung tâm Y tế quận 4 xác định có hai người đã được tiêm mũi một vaccine nên chưa đủ thời gian tiêm mũi hai.
98 người lang thang, cơ nhỡ được UBND quận 4 đưa về hiện đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: NT
Tất cả người dân đủ tiêu chuẩn tiêm được sắp xếp giữ khoảng cách, đội ngũ y tế thuộc Trung Tâm y tế quận 4 do y sỹ Đỗ Thị Hải, Trung tâm Y tế quận 4 đại diện giám sát.
Theo ghi nhận của PLO, người dân sau khi khai báo họ tên, quê quán và số điện thoại (nếu có) thì được đưa đến bàn khám sàng lọc, đo huyết áp. Nếu đủ điều kiện thì chuyển sang bàn tiêm gần đó.
Sau khi tiêm, người dân được hướng dẫn ra lan can gần đó ngồi nghỉ ngơi, giữ khoảng cách. Một nhân viên y tế sau đó thông báo cho bà con những điều cần chú ý khi xuất hiện các triệu chứng như sốt hoặc nặng hơn.
Người dân được sắp xếp ở trong các phòng học tại Trường THCS Nguyễn Huệ. Ảnh: NT
Trong lúc đó, nơi ăn chốn ở của người dân tại các phòng, được lực lượng quân đội phun xịt, khử khuẩn. Rác thải cũng được lực lượng riêng dọn dẹp sạch.
Theo y sỹ Hải, những người lang thang, cơ nhỡ được đưa về trường THCS Nguyễn Huệ (phường 2, quận 4) để chăm lo. “Người dân được chăm sóc, ăn uống đủ dinh dưỡng, sức khỏe để hôm nay tiêm vaccine ngừa bệnh, tránh nguồn lây cho cộng đồng” – y sỹ Hải nói.
Theo đó, người dân sau khi được tiêm theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Sau 30 phút nghỉ ngơi tại chỗ thì về chỗ đã được sắp xếp tại trường học. Trường hợp ai có vấn đề gì phát sinh về sức khỏe thì báo ngay cho lực lượng tại chỗ.
Lực lượng quân đội cũng trực tiếp chăm lo cho bà con tại trường. Ảnh NT
Trong lúc đó, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, cũng cho biết trong thời gian qua đã đưa về chăm lo cho 10 người lang thang. Trong số này phần lớn là người làm thuê, công nhân thời vụ… mất việc làm tìm đường về quê nhưng kẹt lại. Tính đến chiều ngày 25-8, tất cả những người này đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Người lang thang cảm ơn chính quyền
Ngồi một mình trên ghế đá, ông Trần Văn Phước (64 tuổi, ngụ phường 16, quận 4) cho biết mình làm nghề bán vé số đã được 30 năm nay ở TP.HCM.
Chưa đầy một tuần trước, ông Phước rời khỏi nơi ở nhờ là nhà người thân ở phường 16 vì tự ái. “Tôi sống cùng họ hàng, mà hay đi bán vé số về khuya, gọi cửa thì phiền gia đình. Tôi ra ngoài trường học gần đó sống tạm. Buổi sáng rủ anh em ngồi cà phê thì bên phường tới đưa qua đây ở” – ông Phước nói.
Người dân được tiêm vaccine. Ảnh: NT
Ông Phước cho biết mình rất mong muốn được tiêm vaccine vì đây là điều tốt cho sức khỏe của bản thân và người xung quanh. Tuy nhiên, người đàn ông có một lo lắng: “Tôi bị cao huyết áp, tiểu đường và hở van tim… đang phải uống thuốc, không biết có được tiêm không”.
Ông Phước cho biết cả đời sống ở TP.HCM nhưng nay cảm thấy sợ hãi vì dịch bệnh, nhiều người chết. “Vô đây được chăm sóc đầy đủ và tránh được dịch. Tôi chỉ mong sớm hết dịch. Người nghèo cũng buôn bán làm ăn đàng hoàng chứ không xin hay trộm cướp của ai. Người nghèo có cách sống của người nghèo. Có người nói vô đây là bị bắt, bị đưa đi cải tạo… nhưng tôi nói nghĩ vậy là không có đúng” – ông Phước tiếp.
Ông Phước gửi lời cảm ơn đến chính quyền địa phương đã chăm lo cho những người như ông. Ảnh: NT
Gửi lời cảm ơn đến chính quyền địa phương đã chăm lo cho dân, anh Ngô Ngọc Báo (29 tuổi, Bình Phước) cho biết: “Ở đây được ăn uống đàng hoàng, sáng trưa chiều tối đều có cơm canh. Hôm nay may mắn được tiêm vaccine tôi vui, cảm ơn chính quyền các cấp đã quan tâm đến những người như tôi”.
Trước đó, anh Báo làm nhân viên giữ xe, có chỗ ăn chỗ trọ. Dịch bùng phát, nam thanh niên phải rời khỏi chỗ trọ, không thể rời khỏi TP.HCM, anh Báo phải lang thang xin cơm từ thiện sống qua ngày.
Một hoàn cảnh đặc biệt hơn là anh TTT (33 tuổi, ngụ quận 6) cho biết mình là một người nhiễm HIV và từng có công ăn việc làm đàng hoàng trước đó.
Trong số những người hiện ở Trường THCS Nguyễn Huệ sau đó sẽ có 30 người được đưa đi vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Ảnh NT
Mới đây, phía công ty bảo vệ phát hiện anh T. có HIV và không đáp ứng được một số điều kiện nên được cho nghỉ việc. Anh T. cho rằng như vậy là kỳ thị và rất buồn vì hiện mất kế sinh nhai. “Tôi sau đó phải lang thang ngoài đường và được đưa về đây đã ba ngày. Được chăm sóc và ăn uống đầy đủ, tôi xin cảm ơn chính quyền địa phương” – anh T. nói.
Riêng ông Nguyễn Thanh Hùng (64 tuổi, quê Bến Tre) thì cho biết trước đó đã tìm cách về quê nhưng không được. Trước đó, ông Hùng làm bảo vệ, dịch bùng phát thì mất việc.
“Tôi lên TP.HCM bán xe máy, mua xe ba gác để lượm ve chai, một ngày có bao nhiêu thì sống bấy nhiêu. Giờ chỉ biết phụ thuộc chính quyền địa phương chứ không còn cách nào khác. Chờ hết dịch tôi mới về quê” – ông Hùng nói.
Tất cả người dân đều an tâm, gửi lời cảm ơn đến chính quyền địa phương đã chăm lo cho họ. Ảnh: NT
Bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND quận 4 cho biết hiện đã rà soát người nào trước nay lang thang, cơ nhỡ, không có nơi trú ngụ ổn định thì đưa lên các trung tâm bảo trợ xã hội.
“Trong chiều cùng ngày, chúng tôi đưa đi lên trung tâm bảo trợ xã hội của TP.HCM 30 người sau khi tiêm vaccine xong. Những người còn lại sẽ tiếp tục được chăm lo như mấy ngày vừa qua” – bà Mai nói.
Đại diện lãnh đạo UBND quận 4 cũng cho biết hiện tại vẫn tiếp tục tìm và đưa người lang thang về chăm lo. Tính đến ngày 24-8 thì đưa về hai người, ngày 25-8 thì không có thêm người nào.
“Trước mắt là phải lo nhu cầu thiết yếu của bà con như ăn uống, ngủ nghỉ, sữa cho em bé... Bên cạnh đó phía quân sự cũng sẽ lo thêm từng nhu cầu thiết yếu của bà con. Chúng tôi luôn đảm bảo để người dân có được tinh thần, sức khỏe tốt hơn so với việc lang thang ngoài đường” – bà Mai tiếp.