Hải quân Argentina nhận định có một vụ nổ đã xảy ra gần thời gian và địa điểm nơi tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích hôm 15-11 và thậm chí nếu tàu còn nguyên vẹn khi chìm xuống biển thì trữ lượng ôxy trên tàu dành cho các thủy thủ cũng đã hết từ tuần trước. Các chuyên gia nhận định công nghệ tàng hình hiện đại có thể làm cho việc tìm kiếm tàu trở nên khó khăn hơn.
Công tác cứu hộ khó khăn
Đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ vẫn chưa xác định được liệu tàu ARA San Juan đang nổi trên mặt nước, đang hoạt động dưới lòng biển hay đã bị chìm dưới đáy đại dương. Tàu ngầm quân sự được thiết kế để di chuyển dưới đại dương mà không bị phát hiện. Ngoại trừ khi cần liên lạc với trụ sở chính, tàu sẽ không phát ra tín hiệu nào. Mặc dù tàu ARA San Juan được sản xuất từ năm 1985, tuy nhiên nó đã được bảo dưỡng vào năm 2014 nên các chuyên gia cho rằng tàu hoàn toàn có khả năng tàng hình tiên tiến. Trong khi đó, thiết bị phát hiện tàu ngầm chỉ thực sự có hiệu quả khi tìm kiếm một con tàu đang ở “giữa biển hoặc nổi trên bề mặt”.
“Khả năng tàng hình dưới biển của tàu ngầm là một con dao hai lưỡi. Mỗi giờ trôi qua, hy vọng cứu hộ tàu lại càng ít đi” - TS Andrew Davies, Giám đốc Bộ Quốc phòng và chiến lược tại Học viện Chính sách chiến lược Úc, nhận định.
Theo ông Richard Bryant, cựu chỉ huy của tàu ngầm Mỹ USS Miami, chính phủ Argentina dường như đã không chuẩn bị sẵn sàng cho việc cứu hộ một chiếc tàu ngầm bị mất tích. Bằng chứng là lực lượng hải quân nước này phải đến 48 giờ sau khi tàu ARA San Juan mất tín hiệu mới thông báo công khai và bắt đầu chiến dịch tìm kiếm. “Argentina chưa đối mặt với bất cứ tình huống gì tương tự trước đây. Có lẽ họ không thật sự sẵn sàng cho việc đối phó” - ông Bryant nói.
Chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan của hải quân Argentina với sự giúp đỡ của nhiều nước như Mỹ, Anh, Chile và Brazil,… đang gặp phải khó khăn do bão, gió mạnh và các đợt sóng cao đến 6 m ở khu vực tìm kiếm. Ông Bryant cho rằng thời tiết có thể ảnh hưởng đến khả năng nhìn thấy các mảnh vỡ, cũng như làm phân tán các vật trôi nổi trên biển khiến công tác cứu hộ trở nên khó khăn ngay cả vào ban ngày.
Hải quân Argentina cho biết hoạt động tìm kiếm sẽ được tiếp tục cho đến khi xác định được số phận con tàu. Ảnh: REUTERS
Người thân của các thủy thủ mất tích chờ đợi tại căn cứ Mar del Plata, nơi con tàu dự định cập bến vào ngày 19-11. Ảnh: REUTERS
Tàu ngầm Argentina ARA San Juan mất tích ở Đại Tây Dương vào ngày 15-11 với 44 thủy thủ trên tàu. Ảnh: AP
Quan tài sắt dưới đáy biển
Kể từ Thế chiến thứ II, lịch sử thế giới từng chứng kiến những thảm họa chìm tàu ngầm khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ngay cả những tàu ngầm hạt nhân công nghệ cao nhất cũng có nguy cơ chìm dưới đáy biển nếu thủy thủ đoàn không cẩn thận hoặc công nghệ gặp sự cố. Tàu ngầm có thể là cơn ác mộng từ dưới biển của tàu chiến, cũng có thể là quan tài sắt dưới đáy biển của thủy thủ.
Thảm kịch chìm tàu ngầm tồi tệ nhất gần đây diễn ra vào năm 2000 với chiếc K-141 Kursk, một tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường năng lượng hạt nhân của hải quân Nga. Chiếc tàu 16.000 tấn bị phá hủy hoàn toàn trong một vụ nổ dữ dội vào ngày 12-8 khiến tất cả 118 thành viên của thủy thủ đoàn thiệt mạng. Nguyên nhân vụ việc sau đó được xác định là bắt nguồn từ thủy lôi Type-65-76A chạy bằng nhiên liệu hydro peroxit, loại chất dễ bay hơi và phải được xử lý cẩn thận. Thủy thủ đoàn trên tàu Kursk đã không đủ kinh nghiệm để xử lý những loại vũ khí công nghệ cao này. Sau thảm họa Kursk, hải quân Nga đã loại bỏ thủy lôi hydro peroxit khỏi các tàu ngầm của nước này.
Năm 1989, một thảm họa chìm tàu thảm khốc khác cũng xảy ra với tàu ngầm nguyên tử K-278 Komsomolet 8.000 tấn của Liên Xô. Đây là một trong những chiếc tàu ngầm hiệu năng cao nhất từng được chế tạo với độ sâu hoạt động gần 1.000 m. Lửa bùng nổ vào ngày 7-4 khiến tàu chìm dần xuống đáy biển. Có 42 trong số 69 thủy thủ trên tàu đã ra đi vĩnh viễn. Đa số thủy thủ thiệt mạng do bị phơi nhiễm chất hóa học. Các chuyên gia cho rằng sẽ có nhiều thủy thủ được cứu hơn nếu khi đó hải quân Liên Xô hành động kịp thời. Lò phản ứng và hai đầu đạn hạt nhân trên tàu Komsomolets hiện vẫn nằm dưới độ sâu hơn 1.600 m ở biển Barent tại Bắc Băng Dương.
Hải quân Mỹ cũng từng phải đối mặt với thảm họa liên quan đến tàu ngầm. Tháng 5-1969, tàu ngầm hạt nhân USS Scorpion mất tích ở Đại Tây Dương với 99 thủy thủ. Hải quân Mỹ đã mở chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn nhưng tung tích của USS Scorpion vẫn là một bí ẩn. Một năm sau đó, Mỹ xác định tàu đã bị chìm ở độ sâu hơn 3.000 m dưới đáy biển. Trước đó, vào năm 1963, tàu ngầm USS Thresher cũng chìm dưới đáy đại dương với 129 thủy thủ trên tàu. Đây là vụ thảm họa tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới và có số người tử vong cao nhất cho đến nay.
Hy vọng sống mong manh
Theo hải quân Argentina, nếu may mắn tàu ARA San Juan có thể đang nổi trên mặt biển, con tàu sẽ đủ lương thực và nhiên liệu để sử dụng trong 90 ngày. Mối lo lớn nhất là mức dưỡng khí trên tàu. Nếu tàu ARA San Juan bị chìm dưới đáy biển nhưng vẫn còn nguyên vẹn, tàu sẽ có đủ ôxy trong 7-10 ngày. Tuy nhiên, thời hạn này cũng đã qua từ tuần trước mà cuộc tìm kiếm vẫn chưa có manh mối. Trước lúc mất tích, tàu ARA San Juan từng báo cáo gặp sự cố với hệ thống pin. Nhiều người lo ngại điều này khiến tàu mất khả năng liên lạc. Các chuyên gia cho rằng trong trường hợp xảy ra cháy, lượng ôxy chắc chắn sẽ không đủ dùng trong bảy ngày dự kiến.
TS Robert Farley, giảng viên của ĐH Kentuck, cho rằng các thủy thủ sẽ phải giảm hoạt động và di chuyển để giảm tiêu thụ ôxy trong lúc chờ được giải cứu. Còn theo TS Davies, các thủy thủ trên tàu đã được đào tạo tự giải cứu trong trường hợp nguy cấp nhưng cơ hội sống sót còn tùy thuộc vào độ sâu của tàu. Ông cho biết nhiều tàu ngầm có trang bị những trang phục thoát hiểm hỗ trợ thủy thủ thoát khỏi tàu và nổi lên mặt nước. Tuy nhiên, dường như các thủy thủ cũng không thể sử dụng biện pháp này vì đội tìm kiếm đến nay vẫn chưa phát hiện được dấu hiệu nào.
Tàu ngầm ARA San Juan mất tích ngày 16-11 trong chuyến hải trình từ một căn cứ ở quần đảo Tierra del Fuego thuộc miền Nam Argentina đến căn cứ Mar del Plata. Khoảng 200 người thân của các thủy thủ trên tàu hiện đang tập trung ở Mar del Plata, nơi mà con tàu dự định cập bến, để chờ đợi tin tức trong lo lắng và giận dữ.
Hai thủy thủ may mắn Theo tờ O Globo của Argentina, có hai thủy thủ đã vô tình thoát được thảm họa mất tích của tàu ngầm ARA San Juan sau khi không thể lên tàu vào phút chót vì các lý do khác nhau. Thủy thủ đầu tiên là Humberto Vilte đã không thể lên tàu ARA San Juan để thực hiện chuyến đi 10 ngày trên Đại Tây Dương sau khi nghe tin mẹ ốm. Anh được nghỉ phép và được hải quân Argentina chi trả lộ phí để về nhà chăm sóc mẹ. Thủy thủ may mắn thứ hai là Adrian Rothlisberger. Anh được miễn thực hiện nhiệm vụ trên tàu để hoàn thành các công việc khác trên bờ do chỉ huy trực tiếp giao phó. Quyết định này được đưa ra chỉ một thời gian ngắn trước khi tàu ngầm ARA San Juan rời cảng. Hai thủy thủ trên đều đã trở lại căn cứ Mar del Plata, nơi người thân của 44 thủy thủ mất tích đang chờ tin tức, để cầu nguyện cho các đồng đội của mình. |