Ngày 17-12, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, có tên gọi Sơn Đông, đã được Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố chính thức gia nhập lực lượng vũ trang nước này.
Việc đưa tàu sân bay Sơn Đông đi vào hoạt động được Bắc Kinh xem là một cột mốc vô cùng quan trọng trong nỗ lực mở rộng sức mạnh hải quân.
Mỹ và các nước láng giềng đang chú ý tới động thái này một cách cẩn trọng, vì vẫn còn nhiều nguy cơ xung đột trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc, báo South China Morning Post nhận định.
Tàu sâu bay nội địa Type 001A trong buổi lễ hạ thủy tại xưởng đóng tàu Đại Liên ngày 26-4-2017. Ảnh: AFP
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã thuật lại buổi lễ ở cảng Tam Á, phía nam đảo Hải Nam, với sự tham gia của các quan chức Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Trung Quốc.
Tàu Sơn Đông được biên chế vào Hạm đội Nam Hải, dưới quyền chỉ huy của Đại tá Lai Yijun, người trước đó là chỉ huy tàu khu trục Liên Vân Cảng - con tàu vừa được nhượng lại cho quân đội Bangladesh.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện lễ duyệt binh trong buổi lễ và gặp gỡ các sĩ quan phục vụ trên tàu Sơn Đông. Cùng dự buổi lễ còn có Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Đinh Tiết Tường và Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Lý Tác Thành.
Còn nghi vấn về kỹ thuật
Quân đội Trung Quốc đã kỳ vọng đưa con tàu này vào hoạt động chính thức từ tháng 4 năm nay nhưng quá trình thử nghiệm đã kéo dài hơn dự kiến. Điều này khiến giới chuyên gia nghi ngờ về các vấn đề kỹ thuật mà con tàu gặp phải.
Tàu Sơn Đông được phát triển dựa trên tàu sân bay đầu tiên mà Trung Quốc mua từ Ukraine - tàu Liêu Ninh - với việc nâng cấp hệ thống radar, tháp điều khiển và sàn bay trên tàu.
Tàu có khả năng mang theo 36 máy bay chiến đấu J-15, gấp rưỡi so với tàu Liêu Ninh, báo South China Morning Post cho biết.
Chuyên gia hải quân Trung Quốc, ông Li Jie, cho biết tàu Sơn Đông có khả năng mang tới 40 máy bay, bao gồm cả các trực thăng Z-9 và máy bay cảnh báo sớm KJ-600.
Con tàu được đóng tại xưởng đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh. Quá trình này bắt đầu từ tháng 11-2013 và hoàn thành cơ bản khung tàu từ tháng 3-2015. Hải trình thử nghiệm đầu tiên của tàu Type 001A - mã hiệu trước kia của tàu Sơn Đông - được thực hiện vào tháng 5-2018.
Chuyên gia Li cho biết việc con tàu chính thức đi vào biên chế hải quân là một "món quà lớn" đánh dấu 20 năm vùng lãnh thổ Macau về dưới sự quản lý của Trung Quốc.
Ông nói thêm: "Bắc Kinh đã chọn Tam Á để tổ chức buổi lễ vì giới lãnh đạo quân đội muốn nhấn mạnh vị trí địa chiến lược quan trọng của căn cứ tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc" khi nó nằm ở ngay cửa ngõ xuống biển Đông, nơi Trung Quốc được cho là đang tăng cường quân sự hóa nhằm mục đích áp đặt các yêu sách chủ quyền phi lý.
Căn cứ tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đặt ở Thanh Đảo, trên bờ phía đông Trung Quốc.
Căn cứ Tam Á có bến tàu dài 700 m, có khả năng tiếp nhận đồng thời nhiều tàu sân bay. Nó còn nằm rất gần cơ sở tàu ngầm hạt nhân Ngọc Lâm, Quảng Tây.
Chuyên gia quân sự Song Zhongping đến từ Hong Kong cho rằng tàu Sơn Đông có thể sẽ đóng tại căn cứ Tam Á.
Một nguồn tin quân sự nhận định việc giữ tàu Sơn Đông tại căn cứ Tam Á còn là một biểu hiện ngăn chặn những nỗ lực ly khai của vùng lãnh thổ Đài Loan.
"Đó là lý do vì sao tàu sân bay đã đi qua eo biển Đài Loan trong hải trình đến Tam Á hồi tháng trước" - nguồn tin này nói thêm. Đây là chuyến hải trình để thực hiện các thử nghiệm khoa học và đào tạo thường xuyên trên tàu trước khi tàu Sơn Đông cập cảng trên đảo Hải Nam.
Láng giềng lo ngại
Sự mở rộng năng lực quân sự của Bắc Kinh đã gây khó chịu cho Mỹ và nhiều quốc gia láng giềng của Trung Quốc.
Hôm 16-12, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cáo buộc Trung Quốc đang đơn phương cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh có nhiều yêu sách lãnh thổ.
Ông Kono cho biết Nhật Bản "cũng quan ngại về sự gia tăng sức mạnh quân đội nhanh chóng nhưng không minh bạch của Trung Quốc, bao gồm cả năng lực hạt nhân và năng lực tên lửa".