Ngày 9-7, tại UBND tỉnh Gia Lai, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long dẫn đầu làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi về phòng, chống dịch bạch hầu.
Không để bạch hầu lây lan rộng
Tham gia buổi làm việc còn có lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Nam...
Theo số liệu thống kê, tính đến nay trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận, tại Kon Tum có 24 trường hợp dương tính với bệnh (tăng hai ca so với trước đó), tại Đắk Nông đã có 28 trường hợp, Gia Lai có 16 trường hợp và Đắk Lắk cũng đã ghi nhận một trường hợp dương tính với bệnh. Trong đó, ba trường hợp tử vong xảy ra ở hai tỉnh Đắk Nông (hai ca) và Gia Lai.
Tại buổi làm việc, cơ quan y tế các tỉnh báo cáo cho thấy, hầu hết các ổ dịch vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, các ca nhiễm bệnh đang được điều trị và tình hình sức khoẻ ổn định, khả quan. Đối với tình hình dịch bệnh bạch hầu, khó khăn chung là những khu vực có bệnh đều là vùng sâu, vùng xa nên nhận thức về bảo vệ sức khỏe còn chưa cao. Người dân vẫn chưa ý thức được cách phòng, chống bệnh. Bên cạnh đó, vaccine tiêm phòng đối với lứa tuổi trên bảy tuổi còn thiếu nên rất cần được hỗ trợ.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh TN
Phát biểu tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, đối với bệnh bạch hầu thì đây là một bệnh truyền nhiễm rất rõ ràng, tuy nhiên nó có vaccine điều trị và thuốc đặc dụng. Nên muốn ngăn chặn nhanh thì khi phát hiện phải điều trị ngay và dự phòng cho toàn khu vực, ngăn ngừa biến chứng, lây nhiễm. Cơ quan chức năng địa phương tăng cường các biện pháp, sớm phát hiện ca bệnh, đồng thời tiến hành tăng cường tiêm phòng cho người dân.
“Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ vaccine nên các địa phương không cần phải lo về việc này. Dự kiến hàng triệu liều vaccine sẽ được hỗ trợ cho các địa phương, những liều vaccine này sẽ nhanh chóng được chuyển đến. Ngoài ra sẽ cung cấp 200.000 khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho mỗi địa phương, nếu thiếu Bộ sẵn sàng giúp đỡ thêm” - ông Nguyễn Thanh Long cho biết.
Cũng theo ông Long, mặc dù dịch bạch hầu đang như vậy nhưng không được quên COVID-19, vẫn phải đảm bảo triển khai các biện pháp phòng chống COVID-19. Phải đảm bảo không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vì đây là thời điểm quan trọng, cần ngăn ngừa ngay và không để lây lan các dịch bệnh. Tiếp tục các biện pháp về phòng chống Covid-19.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện các quan y tế Tây Nguyên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đề nghị Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu nói riêng và các dịch bệnh nguy hiểm nói chung cho ngành y tế các tỉnh.
Đồng thời hướng dẫn địa phương việc mua huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, để kịp thời mua huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân, cung cấp kịp thời vaccine Td cho các tỉnh để tiêm cho người dân trong vùng dịch.
Cấp tốc đưa vaccine đến vùng có nguy cơ lây nhiễm
Lâm Đồng chưa ghi nhận ca dương tính nào với bệnh bạch hầu, tuy nhiên cơ quan chức năng và ngành y tế đang khẩn trương chủ động thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Theo đó, sáng nay, ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã cấp tốc họp bàn với UBND tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện Đam Rông, Bảo Lâm (giáp ranh với các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông) để triển khai nhanh các cách thức phòng chống dịch bệnh bạch hầu cho người dân.
Chốt kiểm dịch ở Gia Lai. Ảnh NT
Hiện, lực lượng y tế đã tiêm phòng cho 100% học sinh là con em của người dân tiếp xúc gần ở huyện Đam Rông, lấy được 20 mẫu xét nghiệm các đối tượng nghi lây nhiễm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chuẩn bị tất cả các phương án cần thiết nếu tỉnh xuất hiện ca mắc bệnh. Ngành y tế tỉnh đã cấp 3200 liều vắc-xin phòng bệnh cho người dân ở khu vực giáp với huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông). Đơn vị chuẩn bị chuyển gấp 300 liều cho huyện Bảo Lâm (giáp huyện Lắk, Đắk Lắk), ưu tiên cho những đối tượng tiếp xúc gần và trẻ em để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Trong khi đó, cơ quan y tế tỉnh Gia Lai xác nhận, số người dương tính lên 16 trường hợp (trong đó một người tử vong). Những ca mắc mới chủ yếu liên quan bệnh nhi tử vong (4 tuổi, làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa). Sở Y tế Gia Lai đã gửi văn bản tới Bộ Y tế đề nghị cấp 100.000 liều vaccine bạch hầu để tiêm phòng cho người dân huyện Đắk Đoa.
Ngành y tế Gia Lai chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ để sẵn sàng thu dung, cấp cứu... cho người bệnh. Nhiều chốt ngăn ngừa dịch được lập nên, người dân được uống kháng sinh dự phòng…