Thả thú hoang dã về rừng

Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (Wildlife at Risk, gọi tắt là WAR) và báo Khăn Quàng Đỏ đã tổ chức chương trình Khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên dành cho các em học sinh. Chuyến đi thực tế khám phá thiên nhiên lồng ghép với giáo dục ý thức bảo vệ môi trường đã thành công ngoài mong đợi của ban tổ chức.

Thả thú hoang dã về rừng ảnh 1

Lần đầu tiên các em thả thú hoang dã về rừng. Ảnh: WAR

Cùng nhau thả thú

Em Vũ Nhật Khánh Linh, học sinh lớp 11B16 Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4, TP.HCM), được tận tay mở cửa lồng thả một con mèo rừng. Cả đoàn chợt nhốn nháo bàn luận sôi nổi khi thấy cảnh cánh cửa lồng vừa mở, con mèo rừng đã chạy vụt vào trong bụi rậm. Linh vui sướng bộc bạch: “Em cảm nhận được sự hạnh phúc của chú mèo rừng khi được trở về môi trường sống quen thuộc của nó. Em không hiểu sao người ta lại ăn thịt những con thú đáng thương như thế này”.

Không riêng gì Linh, hơn 50 em học sinh khác cũng cảm thấy như vậy khi được anh Lê Xuân Lâm, một nhân viên cứu hộ động vật hoang dã của WAR, giải thích về nguồn gốc của số động vật này. Đây là những con thú do các anh kiểm lâm thu giữ được khi đi kiểm tra các nhà hàng trên địa bàn TP.HCM và bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã chăm sóc, nuôi dưỡng. Do bị nuôi nhốt trong các dụng cụ thô sơ nên khi đến trung tâm, nhiều con thú đã bị thương hoặc sức khỏe rất yếu. “Bọn anh phải tích cực cứu hộ và tập cho chúng những thói quen thích nghi trở lại với môi trường hoang dã. Tiếp đó, tất cả những con vật này phải vượt qua được khâu kiểm tra sức khỏe nếu muốn được trở về rừng” - anh Lâm vừa nói vừa chỉ tay vào những lồng đang nhốt những con rùa, cu li, kỳ đà... Một bạn nhỏ ở phía cuối nhóm chợt thốt lên: “Em thấy thương chúng quá à”.

Thả thú hoang dã về rừng ảnh 2

Cùng nhân viên cứu hộ thả con cu li về rừng Cát Tiên. Ảnh: WAR

Được thả động vật về tự nhiên, nhiều em háo hức nói khi về nhà sẽ kể chuyện này lại cho ba mẹ nghe. Một số em khác khi vừa nhìn thấy con kỳ đà đã sợ, chạy ra tít đằng xa hoặc nép vào lưng người khác và lén nhìn.

Không những tham gia thả thú, các em còn được nhân viên kiểm lâm hướng dẫn đi xem thú ban đêm ở Cát Tiên. Lần đầu tiên, các em được thấy những con nai thong dong kiếm ăn trên bãi cỏ, những chú thỏ chạy nhảy sau những lùm cây trong đêm tối. Một em trong đoàn la thét lên vì phát hiện cặp mắt xanh lè của con chim cú mèo đậu tít trên cây cao nhưng cũng kịp lấy tay che miệng khi người hướng dẫn đưa tay lên miệng ra hiệu im lặng. Không gian trở nên im ắng, chỉ còn tiếng mưa đêm rả rích. Những cặp mắt khác vẫn đau đáu nhìn theo ánh đèn đang soi rọi bước chân của những con thú đi tìm mồi ban đêm.

Thả thú hoang dã về rừng ảnh 3

Nghe giới thiệu về Vườn quốc gia Cát Tiên và cách đi rừng. Ảnh: HUYỀN VI

Tiếng hát vang rừng

Anh Nguyễn Thành Phước, nhân viên Trung tâm Du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên, kể lại: “Ở Việt Nam, tê giác gần như tuyệt chủng nhưng cách đây vài năm, các nhân viên của rừng đã từng phát hiện tê giác xuất hiện ở khu vực này. Loài tê giác xuất hiện ở Cát Tiên đem lại niềm tự hào của anh em bảo vệ rừng nơi đây. Vậy mà cách đây vài tháng, con tê giác này vừa bị chết do trúng đạn…”. Nói đến đây, giọng anh Phước chùng xuống. Không khí yên lặng bao trùm cả núi rừng. Cả đoàn đi tiếp hành trình, lòng trĩu nặng câu chuyện con tê giác trúng đạn.

Đêm văn nghệ, cả đoàn chia thành năm nhóm. Mỗi nhóm trình diễn một ca khúc của một anh nhân viên của vườn viết về con tê giác Cát Tiên bị bắn chết. Các nhóm đã tự biểu diễn, trình bày tiết mục của mình rất công phu và sáng tạo. Có nhóm đã biến tấu ca khúc thành thể loại hip hop, kịch. Nhóm khác lại pha lẫn tấu hài vào trong bài hát. Nhưng tựu chung lại, các em hát và diễn với tình yêu con tê giác rất hồn nhiên. Một thành viên của ban giám khảo phải thốt lên: “Tôi không ngờ các em lại có những ý tưởng sáng tạo kinh ngạc như thế. Các em đã cảm được cảm xúc của tác giả bài hát này”.

Thả thú hoang dã về rừng ảnh 4

Thuyết trình về chức năng của lá cây trong hệ sinh thái rừng. Ảnh: HUYỀN VI

Anh Nguyễn Thành Phước, tác giả ca khúc viết về con tê giác, thừa nhận: “Chưa bao giờ tôi nghe ca khúc của mình được trình bày hồn nhiên và giàu cảm xúc như thế. Tôi viết ca khúc này ngay sau khi ban quản lý rừng phát hiện bộ xương của con tê giác Java, vì vậy mà cảm xúc trong bài hát rất dạt dào. Hình như các em đã hiểu được những gì tôi gửi gắm trong ca khúc đó”.

Anh Phước kể tiếp những câu chuyện xung quanh cái chết của con tê giác trong ánh mắt hồn nhiên chăm chú của các em. Bầu không khí yên lặng một lần nữa lại xuất hiện.

Thả thú hoang dã về rừng ảnh 5

Trưởng thành hơn với bài học từ rừng. Ảnh: HUYỀN VI

Bài học từ rừng

Được khám phá rừng nên các em vô cùng háo hức. Các em tích cực phân nhóm làm mô hình và thuyết trình say sưa về chức năng của rừng tự nhiên.

Em Thái Hoàng Phúc, học sinh lớp 10 trường Tenlơman (TP.HCM), thổ lộ: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia một chương trình như thế này. Chuyến đi gây cho em nhiều ấn tượng và cho em nhiều điều bổ ích. Từ việc thả thú hoang dã, được nghe kể chuyện về con tê giác Java và xem thú ban đêm, chúng em mới nhận thấy rằng mỗi người chúng ta cần phải chung tay bảo vệ những loài động vật sắp bị tuyệt chủng”.

Thả thú hoang dã về rừng ảnh 6

Ngắm nai đi ăn đêm trong Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: NC

Bạn Hồ Thị Kim Loan, sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, là tình nguyện viên của đoàn. Loan nhận định: “Không những được khám phá thiên nhiên, các em còn học được tính tự lập, tinh thần đồng đội trong những trò chơi cộng đồng. Tôi nhận thấy các em trưởng thành hơn sau chuyến đi này”.

Những ý tưởng và kiến thức về thiên nhiên của các em học sinh đã làm cho bà Đỗ Thị Thanh Huyền, điều phối viên giáo dục-bảo tồn của WAR, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. “Các em rất thông minh và sáng tạo. Những hiểu biết về thiên nhiên của các em làm tôi kinh ngạc. Có em đã thuyết trình rất chính xác về chức năng của lá cây trong rừng. Hiệu quả mang lại của chương trình giúp chúng tôi đưa ra những hoạt động thiết thực và gần gũi hơn cho các em trong các chương trình tiếp theo”.

Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) là một tổ chức phi chính phủ với mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam thông qua việc ngăn chặn hoạt động nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động thực vật hoang dã và hỗ trợ bảo tồn các loài bị đe dọa cũng như sinh cảnh sống của chúng.

“Khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên chỉ là một hoạt động khởi đầu cho chương trình Chung sức bảo vệ thiên nhiên do WAR phối hợp với báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức. Mục đích của chương trình này là cung cấp cho các em học sinh kiến thức về thiên nhiên và động vật hoang dã, khích lệ tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường ở các em học sinh” - bà Đỗ Thị Thanh Huyền, điều phối viên giáo dục, bảo tồn của WAR, cho biết.

HUYỀN VI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 159)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm