Thách thức của Obama ở nhiệm kỳ mới

Báo The Guardian (Anh) nhận định nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama ẩn chứa nhiều thách thức như sau:

. Khôi phục kinh tế: Vấn đề lớn nhất cản trở kinh tế phục hồi là nợ công sắp chạm trần. Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm mạnh chi tiêu nếu nâng trần nợ công nhưng đảng Dân chủ phản đối cắt giảm chi tiêu quá nhiều.

Không muốn tiếp tục đối đầu với đảng Cộng hòa ở Hạ viện, đầu năm nay Tổng thống Obama đã cảnh báo sẽ không thương lượng và ra tối hậu thư cho đảng Cộng hòa: Hoặc đồng ý nâng trần nợ công hoặc phải chịu trách nhiệm khi chính phủ ngưng hoạt động vì hết tiền.

Tuy nhiên, ông dường như cũng đã sẵn sàng thỏa hiệp với đảng Cộng hòa, chấp nhận cắt giảm chi tiêu và phúc lợi xã hội để đạt được thỏa thuận nâng nợ trần. Thỏa hiệp này chưa đạt được đồng thuận cao trong đảng Dân chủ.

. Kiểm soát súng: Tổng thống Obama đang kêu gọi Quốc hội thông qua luật kiểm soát súng tự động, giới hạn số lượng đạn trong băng đạn tối đa còn 10 viên và siết chặt kiểm tra lý lịch người mua súng.

Thách thức của Obama ở nhiệm kỳ mới ảnh 1

Tổng thống Obama tuyên thệ nhậm chức dưới sự chủ trì của Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts tại phòng Xanh (Nhà Trắng) ngày 20-1. Đứng cạnh tổng thống là phu nhân Michelle Obama cùng hai con gái Malia và Sasha. Ảnh: AP

Tuy nhiên, khả năng để Quốc hội thông qua luật kiểm soát súng rất thấp vì đảng Cộng hòa (ủng hộ quyền sử dụng súng) đang kiểm soát Hạ viện.

Tại Thượng viện, dù đảng Dân chủ chiếm đa số nhưng vấn đề kiểm soát súng cũng không được ủng hộ mạnh mẽ. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid và hàng chục nghị sĩ của đảng có nguy cơ mất ghế nếu ủng hộ kiểm soát súng chặt chẽ.

. Cải cách nhập cư: Ông Obama đã giành được 2/3 số phiếu từ cử tri gốc La tin, vì vậy ông cần phải cải cách luật nhập cư, ít nhất để củng cố sự ủng hộ của cộng đồng Mỹ gốc La tin trong những năm tới. Ông đang muốn vận động cải cách luật nhập cư toàn diện để hợp pháp hóa người nhập cư bất hợp tác.

Đảng Cộng hòa khó mà chấp nhận ý tưởng tưởng thưởng quốc tịch cho người nhập cư vào Mỹ. Tuy nhiên, vì quyền lợi chính trị, hai đảng có thể tìm được tiếng nói chung trong một số mục cải cách luật nhập cư.

. Hạt nhân Iran và hòa bình Trung Đông: Thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại của ông Obama vẫn là vấn đề hạt nhân Iran.

Trong bốn năm tới, Iran có thể chế tạo được vũ khí hạt nhân hoặc Israel buộc phải đánh phủ đầu Iran để loại bỏ mối đe dọa hạt nhân. Mỹ có thể đàm phán trực tiếp với Iran để thuyết phục Iran chấm dứt ý định chế tạo vũ khí hạt nhân. Cũng có thể Mỹ và phương Tây gia tăng trừng phạt kinh tế để buộc Iran phải thỏa hiệp.

Vấn đề hòa bình Trung Đông vốn đã bế tắc qua nhiều đời tổng thống Mỹ. Ông Obama muốn đứng ra điều đình một giải pháp lâu dài cho xung đột Israel-Palestine. Nhưng liệu ông có đủ thời gian và vốn liếng chính trị để dàn xếp hòa bình Trung Đông trong bốn năm tới vẫn là dấu hỏi lớn. Có thể ông sẽ phải nhờ cậy nhiều vào kinh nghiệm ngoại giao của Ngoại trưởng tương lai John Kerry.

Báo National Journal (Mỹ) ngày 21-1 nêu bảy thách thức về chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ thứ hai gồm: 1. Rút quân khỏi Afghanistan và quản lý quan hệ với Pakistan; 2. Chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á và xây dựng mối quan hệ với bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc; 3. Chương trình hạt nhân Iran; 4. Quản lý các điểm; 5. Xung đột Israel-Palestine; 6. Khủng hoảng chính trị ở Syria; 7. Cài đặt lại quan hệ với Nga.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm