Vấn đề không phải là học sớm hay học muộn mà là “hành” như thế nào sau khi “học”. Và đó là sự khác biệt giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Thái Lan.
Bóng đá Việt Nam “cưỡi ngựa xem hoa”
Ba năm trước, bóng đá Việt Nam từng tổ chức chuyến du học Nhật Bản gồm đi xem và tìm hiểu cách người Nhật làm J-League.
Gọi là du học nhưng thực chất chỉ là du lịch có “học” theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Bằng chứng là CLB nào cũng có người trong thành phần “học” nhưng khi “hành” thì chẳng CLB nào thực hiện. Ngay cả các quan chức tổ chức để các CLB đi “học” khi về cũng thừa nhận chủ yếu chỉ là tham quan, xem, nghe và cũng có nhiều người xác định là đi du lịch từ tiền lãi và tiền tài trợ khi tổ chức giải cũng là tiền đóng góp của các CLB vào đấy.
Hỏi hơn 40 thành viên của bóng đá Việt Nam đi học J-League về thì đến nay nhiều người cũng chỉ trả lời qua loa: “Ờ thì thấy họ làm bài bản, các CLB thực sự chuyên nghiệp và họ có rất nhiều tiền làm được từ bóng đá”.
Tuyệt nhiên không thấy CLB nào hay quan chức nào bức xúc sau một chuyến đi học rằng vì sao họ làm được như thế và đến bao giờ thì ta được như họ. Cao nhất và ý thức nhất là một quan chức VPF thừa nhận J-League họ nghiêm túc từ cầu thủ trẻ, từ các CLB đến những nhà điều hành bởi đó cũng là một phần của xã hội Nhật Bản”.
Sau bao năm đi học bóng đá Nhật và nhiều lần “thọ giáo” chuyên gia Nhật, bóng đá Việt Nam đều “bẻ giáo án” giữa chừng cho cái gọi là “thích nghi với môi trường bóng đá Việt Nam”. Thậm chí thầy Nhật mà LĐBĐ Nhật giới thiệu cho Việt Nam thì sau vài trận thất bại thế là cả làng tẩy chay bỏ phiếu sa thải.
Thai-League theo Nhật hình thành bốn hệ thống và bốn cấp theo tiêu chuẩn hình kim tự tháp. Ảnh: BANGKOK POST
Thái Lan học sau nhưng ứng dụng ngay
Công ty Thai-League (giống VPF của Việt Nam) vừa thông báo rộng rãi trên các diễn đàn bóng đá AFF, AFC rằng từ năm 2017 hệ thống thi đấu Thái Lan có tất cả bốn giải đấu: Thai-League 1 đến Thai-League 4 (bốn cấp độ theo độ tuổi và mặt bằng trình độ). Song song đó Thai-League sau khi mở rộng “quota” cho cầu thủ châu Á thì từ mùa bóng 2017 sẽ mở “quota” cho cầu thủ Đông Nam Á (các CLB từ Thai-League 2 trở xuống từ năm 2017 được mua cầu thủ Đông Nam Á, còn Thai-League 1 thì sang năm 2018 mới được mua cầu thủ Đông Nam Á).
Phía Thái Lan khẳng định họ học hệ thống thi đấu đấy và mở “quota” cho cầu thủ là tích lũy những gì học ở J-League đã hình thành bốn giải quốc gia với mặt bằng đội bóng rất đông mà cấp độ thấp làm nền cho cấp độ cao.
Và điều quan trọng nhất mà Thai-League học J-League của Nhật là các CLB phải tự túc kinh phí chứ không lệ thuộc vào nhà nước. Các CLB của họ hoạt động với hệ thống marketing vững mạnh, kiếm tiền từ bóng đá nuôi bóng đá chứ không nhập nhằng kiểu tiền tay trái bỏ qua tay phải rồi nuôi bóng đá bằng dự án lấy từ địa phương hay từ quỹ đất.
Sắp tới đây Thai-League và J-League còn hợp tác nhau trong chương trình hành động trao đổi kinh nghiệm và quan sát lẫn nhau để hỗ trợ. Hằng năm hai nhà vô địch của Nhật (vô địch J-League 1 và vô địch Cúp Hoàng đế) phối hợp tổ chức giải J-League Asian Challenge tại Thái Lan cùng với hai đội vô địch Thai-League và vô địch Cúp Quốc gia Thái Lan.
Như vậy là sau khi học người Anh cách tổ chức giải và cách kiếm tiền từ hệ thống giải, giờ thì người Thái lại học đàn anh Nhật về cơ cấu tổ chức J-League theo hệ thống bốn giải vô địch ở bốn cấp độ và mở rộng kế hoạch chiêu mộ cầu thủ châu Á, Đông Nam Á để làm marketing.
So sánh giữa Thai-League và V-League + Thai-League hình kim tự tháp theo tiêu chuẩn bóng đá thế giới. Thai-League 4 (giải thấp nhất thuộc hệ thống giải đấu quốc gia) có 32 đội, Thai-League 3 có 24 đội, Thai-League 2 có 20 đội và Thai-League 1 (tương đương V-League) có 18 đội. (Đến năm 2019, Thai-League 1 giảm xuống còn 16 đội) + V-League hình “siêu mẫu” theo tiêu chuẩn… có gì dùng nấy. Giải hạng Nhì có 18 đội, giải hạng Nhất có bảy đội và giải V-League có 14 đội. |