Ngày 4-3, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2 (TP Thủ Đức), TP.HCM, cho biết nơi đây vừa xử lý gắp dị vật là một chiếc bấm móng tay cho bệnh nhân SNQ (29 tuổi, ngụ TP.HCM).
Khai thác bệnh sử, anh Q. cho biết trong lúc đùa giỡn, anh ngậm bấm móng tay rồi vô tình nuốt phải nên đến Bệnh viện quận 2 cấp cứu.
Tại đây, anh Q. được thăm khám và cho chụp X-quang, phát hiện có dị vật nằm trong dạ dày. Các bác sĩ nhanh chóng quyết định gây mê, nội soi dạ dày để gắp dị vật.
Các bác sĩ đang thực hiện gắp chiếc bấm móng tay cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Theo BS Khanh, khi đưa dụng cụ vào gắp dị vật, hệ thống ống tiêu hoá có nhiều dịch tiết nên khá trơn láng, gắp dị vật gặp nhiều khó khăn. Do vậy, ekip bác sĩ phải dùng nhiều thiết bị kỹ thuật hỗ trợ để gắp, trong đó có cả dụng cụ tự chế.
“Khi gắp ra, để tránh dị vật sắc nhọn gây tổn thương đường tiêu hoá, chúng tôi đã dùng một dụng cụ tự chế để bao lấy chiếc bấm móng tay và rút ra ngoài” - BS Khanh cho biết.
Sau 30 phút, chiếc bấm móng tay chiều dài hơn 12 cm, chiều rộng 1,2 cm đã được các bác sĩ gắp ra.
Chiếc bấm móng tay được lấy ra từ dạ dày bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Hiện bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, không còn đau bụng, được xuất viện về nhà.
BS Khanh cho biết, dị vật có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa như miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn. Tuy nhiên, đoạn thực quản và ruột non là hay gặp nhất.
Các dị vật thường hay gặp là các xương động vật như xương gà, vịt, cá, chim… Các dị vật trong đời sống sinh hoạt như tăm tre, đinh, đồng xu… hay các khối thức ăn dạng cơ gân.
Theo bác sĩ Khanh, dị vật đường tiêu hóa rất nguy hiểm khi không được phát hiện và xử trí kịp thời, chúng gây thủng nội tạng chảy máu, áp xe tại chỗ, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.
Bệnh viện quận 2 mỗi năm tiếp nhận từ 15 - 20 trường hợp dị vật đường tiêu hoá, trong đó phổ biến nhất là nuốt vỏ thuốc.