Thành phố hậu phương ấm lòng chiến sĩ

Một chiều cuối tháng 9, chúng tôi nối máy với Trung úy Phạm Châu Sơn ở phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân. Giữa tiếng gió biển dội vào ầm ào, anh Sơn cho biết đã gắn bó với biển 21 năm, công tác ngoài đảo đã bảy năm.

“Anh có nhớ nhà không?”. Im lặng hồi lâu, anh Sơn nói: “Nhớ nhà lắm chứ. Nhưng tôi rất yên tâm ở phía hậu phương, đặc biệt là tình cảm của những người đến từ TP.HCM”.

Ấm lòng với căn nhà đồng đội

Hậu phương mà anh nói đến là gia đình nhỏ của mình và tấm lòng của nhân dân TP.HCM hướng về chiến sĩ ngoài biển, đảo. Vợ anh trước đây làm công nhân ở TP.HCM. Sau đó chị chuyển về quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An chăm sóc hai con nhỏ. Thỉnh thoảng anh mới được về thăm nhà, rồi lại đi. Căn nhà cũ ở quê đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng anh cũng chưa có điều kiện sửa lại.

Đầu năm 2013, Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc” của TP.HCM đã xây tặng anh Sơn một căn nhà đồng đội. Lúc đó, anh đang làm nhiệm vụ ở đảo Đá Tây C thuộc quần đảo Trường Sa.

Đầu năm 2015, trong một dịp ra thăm chiến sĩ Bộ Tư lệnh vùng 2, các thành viên trong đoàn TP.HCM biết được hoàn cảnh của liệt sĩ Dương Văn Bắc. Anh Bắc là chiến sĩ Nhà giàn DK1, hy sinh cuối năm 2014 trong khi làm nhiệm vụ. Các thành viên trong đoàn hết sức xúc động nên đã thay đổi chương trình để đi thăm, trao quà và một số tiền cho chị Trâm, vợ anh. Chị cho biết năm năm liền anh ăn tết ngoài nhà giàn. Từ khi anh mất, chị nhận được nhiều sự chia sẻ, giúp đỡ để vượt qua nỗi đau. Chị Trâm nghẹn ngào: “Tôi nói với anh ấy hãy yên tâm, mẹ con em sẽ vượt qua được. Ở đây mọi người luôn quan tâm giúp đỡ gia đình mình”.

Bà Triệu Lệ Khánh (trái), Phó Chủ tịch Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, đến thăm gia đình liệt sĩ Dương Văn Bắc và hỗ trợ gia đình. Ảnh: TL

Chăm lo từ cái nhỏ đến cái lớn

Mỗi lần nhắc đến tình cảm của người dân TP.HCM, Thượng tá Nguyễn Viết Thuân, Phó Lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, luôn xúc động. Anh nói: “TP.HCM gần lắm. TP.HCM giúp đỡ cho huyện đảo Trường Sa rất lớn, giúp đảo xây trường học, giúp đóng xuồng chủ quyền, giúp quà cho anh em ăn tết… TP chăm sóc cho đảo từ cái nhỏ đến cái lớn”.

Vợ anh Thuân, một phụ nữ mạnh mẽ chống chọi với căn bệnh ung thư, hằng tháng tự đi tàu vào TP.HCM tái khám tại BV Ung bướu. Con trai anh Thuân từng là một bệnh nhân vượt qua cơn phẫu thuật lớn và nhận được sự chăm sóc, yêu thương của đội ngũ y, bác sĩ BV Chợ Rẫy và sự quan tâm của nhiều người dân TP.HCM. Người dân TP.HCM đã cùng gia đình anh Thuân đi qua những thời khắc khó khăn nhất trên TP nghĩa tình.

Vừa qua, TP.HCM đã trích hơn 1 tỉ đồng từ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc” trao cho Lữ đoàn 146 để hỗ trợ cho các chiến sĩ trẻ khối đảo sau xuất ngũ học nghề, ổn định cuộc sống. Trong đó, có một số anh học nghề lái xe đã tốt nghiệp và có việc làm.

Từ đầu năm 2015 đến nay, các tầng lớp nhân dân TP.HCM đã ủng hộ 32 tỉ đồng cho Quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”. Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tại vùng biển của Việt Nam, chỉ trong gần một tháng phát động, nhân dân TP.HCM đã ủng hộ cho quỹ hơn 20 tỉ đồng. Qua đó, có thể thấy tình cảm của nhân dân TP.HCM dành cho biên giới, biển, đảo quê hương là rất lớn.

Bà TRIỆU LỆ KHÁNH, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”, Phó Chủ tịch MTTQ TP.HCM

20 giờ ngày 4-10, Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” sẽ phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM phát sóng trực tiếp chương trình nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển đảo Tổ quốc” nhằm thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân TP.HCM trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm