Ngày 25-1, trao đổi với PLO, một lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết đơn vị ban hành kết luận thanh tra về việc sử dụng đất của các tổ chức, đơn vị được UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất thực hiện dự án.
Theo đó, từ ngày 30-10-2023 đến ngày 22-11-2023, Thanh tra Sở TN&MT thực hiện thanh tra về việc sử dụng đất tại tám doanh nghiệp. Trong đó, một doanh nghiệp ở thị xã An Nhơn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản; một doanh nghiệp ở TP Quy Nhơn hoạt động chế tác sản phẩm đá, đan nhựa giả mây; sáu doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản, sản xuất nhôm, chế biến hàng mây, tre, lá, cho thuê kho bãi.
Chậm chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, kết quả thanh tra, về cơ bản, các doanh nghiệp này thực hiện tài chính về đất đai. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa đưa vào sử dụng đất theo đúng mục đích đăng ký thực hiện dự án.
Cụ thể, thanh tra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Vạn Phú (trụ sở tại TP Quy Nhơn) được UBND tỉnh Bình Định cho thuê 8.068 m2 để thực hiện dự án nhà máy profile gỗ nhựa vào tháng 6-2021.
Sau đó, UBND tỉnh đồng ý cho doanh nghiệp này điều chỉnh từ nhà máy sản xuất nhựa sang sản xuất sản phẩm đá, đan nhựa giả mây. Đến nay, công ty này vẫn chưa lập hồ sơ đề nghị thay đổi mục đích đích sử dụng đất từ nhà máy sản xuất gỗ nhựa sang sản xuất sản phẩm đá, nhựa giả mây.
Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu Vĩnh Thịnh được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện Nhà máy sản xuất đồ gỗ ngoại thất tại phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) năm 2017.
Đến thời điểm thanh tra vào cuối năm 2023, doanh nghiệp chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ đăng ký trong dự án đầu tư. Thanh tra Sở TN&MT kết luận việc chậm đưa vào sử dụng đất là vi phạm quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013.
Sở TN&MT tỉnh yêu cầu doanh nghiệp này có văn bản đề nghị gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng. Trường hợp doanh nghiệp này không có văn bản đề nghị gia hạn, Sở có văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định.
Thuê đất rồi để dân lấn chiếm
Theo kết luận của Thanh tra Sở TN&MT tỉnh, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo (trụ sở tại TP Quy Nhơn) được UBND tỉnh Bình Định cho thuê 33.068 m2 để xây dựng Nhà máy chế biến gỗ từ rừng trồng và nguyên liệu giấy tại xã Hoài Sơn (thị xã Hoài Nhơn), thời hạn thuê đất là 50 năm kể từ ngày 1-12-2011.
Qua thanh tra, doanh nghiệp đã xây dựng một xưởng cơ khí trên đất trồng cây hàng năm khác, trong đó có phần diện tích nằm ngoài ranh giới quy hoạch cụm công nghiệp, phần diện tích còn lại thuộc quy hoạch đất hành lang cây xanh cụm công nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn xây dựng một bể nước phòng cháy chữa cháy, một trạm biến áp trên hai thửa đất lúa do UBND xã Hoài sơn quản lý, nằm ngoài ranh giới khu đất được UBND tỉnh Bình định cho thuê.
Sở TN&MT tỉnh yêu cầu doanh nghiệp này tháo dỡ xưởng cơ khí, không phục lại đất trồng cây hàng năm khác. Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND thị xã Hoài Nhơn và xã Hoài Sơn làm rõ và xử lý việc doanh nghiệp xây dựng một số hạng mục trên đất lúa.
Tương tự, Công ty TNHH nguyên liệu giấy Quy Nhơn (trụ sở ở Quy Nhơn) được UBND tỉnh Bình Định cho thuê 10 ha để xây dựng Nhà máy chế biến gỗ, dăm gỗ Bồng Sơn (phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn) vào năm 2013.
Đến nay, doanh nghiệp này chỉ xây dựng tường rào bao quanh khoảng 6 ha để quản lý sử dụng. 4 ha còn lại chưa xây dựng các hạng mục theo quy hoạch đã được duyệt. Trong diện tích này hiện có 12 hộ dân lấn chiếm khoảng 0,7 ha để trồng keo, 3,3 ha còn lại doanh nghiệp mới xây dựng tường rào đầu năm 2023, tuy nhiên đây là nơi có đường dân sinh đi lại.
Sở TN&MT tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao cho UBND thị xã Hoài Nhơn chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ bồi thường hỗ trợ của 12 hộ dân vào năm 2003 và làm rõ việc lấn chiếm trồng keo trên diện tích đất được cấp cho doanh nghiệp. Đồng thời đề xuất phương án làm đường dân sinh thay thế… Báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trong tháng 2-2024.