Đánh giá về tình hình thanh tra, kiểm tra (TTKT) sau một năm có Chỉ thị 20 của Thủ tướng (chỉ được TTKT một lần/năm đối với doanh nghiệp (DN), xem Pháp Luật TP.HCMngày 24-5), TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: “Về cơ bản vẫn không có chuyển biến gì. Việc chồng chéo, trùng lặp vẫn diễn ra. DN càng làm ăn được, càng lớn càng bị TTKT nhiều”.
Chỉ thị hay nhưng bị cấp dưới… quên lãng
. Phóng viên:Ông là người gắn bó với việc thực thi, triển khai Luật DN nhiều năm, tôi muốn hỏi là trước đây có quy định nào như Chỉ thị 20/2017 của Thủ tướng không?
+ TS Nguyễn Đình Cung: Chỉ thị chỉ được kiểm tra DN một lần/năm thì thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải cũng có, thậm chí còn được nâng lên cấp nghị định. Đáng tiếc, việc thực thi chỉ được hai năm, 2001-2002 và trong hai năm đó thì tình hình TTKT có giảm. Sau đó, như chúng ta biết, các loại giấy phép mọc ra, các thủ tục phục hồi và TTKT tăng lên.
. Vậy ông đánh giá thế nào về Chỉ thị 20 ngày 17-5-2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
+ Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận khi Chính phủ và Thủ tướng thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy vậy, sau thời Thủ tướng Phan Văn Khải, gần 20 năm mới có một chỉ thị như thế là một thời gian quá dài.
Còn thực tế, như tôi vừa nói lúc đầu, tình hình TTKT gần như không thay đổi.
. Chỉ thị của Thủ tướng là một văn bản pháp quy. Vậy vì sao nó lại không làm chuyển biến cơ bản tình hình TTKT như tinh thần của Chính phủ kiến tạo?
+ Đầu tiên, dù đó là chỉ thị của Thủ tướng ban hành nhưng việc tuyên truyền, truyền đạt xuống cấp dưới hơi yếu.
Rất tiếc là tinh thần, chỉ đạo rất hay của Thủ tướng dường như bị cấp dưới quên lãng khi triển khai. Các cơ quan có trách nhiệm không thể hiện được vai trò hướng dẫn, kiểm tra, phổ biến nên tinh thần ấy không lan tỏa được.
Đối với những chỉ thị này, nếu không gây áp lực thì người ta sẽ không làm. Cách thức TTKT hiện nay khiến DN rất sợ bởi nó gần như buộc phải phát hiện bằng được sai phạm của DN và trừng phạt chứ không phải là hướng dẫn tuân thủ pháp luật, hỗ trợ thực thi pháp luật.
DN sẽ rất mừng nếu cơ quan quản lý đến kiểm tra nhằm hướng dẫn họ tuân thủ pháp luật, hỗ trợ thực thi pháp luật. Ảnh minh họa: QUỐC THANH
Cần thay đổi tư duy khi TTKT
. Cái gốc vấn đề nằm ở đâu, thưa ông?
+ Có lẽ vấn đề nằm ở tư duy về quản lý nhà nước. Thủ tướng đưa những thông điệp rất tích cực nhưng cách thức của Nhà nước vẫn là kiểm soát và trừng phạt hơn là thúc đẩy và tạo điều kiện. Đặc biệt, TTKT hầu như chưa có cái gì gọi là kiến tạo.
Nếu với tư duy kiến tạo và hỗ trợ thì anh đến kiểm tra, DN sẽ rất mừng vì họ nhận được lời khuyên, khuyến cáo để tuân thủ luật pháp. Mà càng tuân thủ luật pháp thì càng ít phải kiểm tra. Tính nhân văn của TTKT ở chỗ đó. Lẽ ra TTKT chỉ tiến hành khi có sự bất thường. Chẳng hạn, một DN tự nhiên khai một số vốn đầu tư đột biến hay DN đang nộp thuế rất cao tự nhiên nộp thấp…
. Có nên bỏ bớt những nội dung, chuyên đề TTKT không?
+ Tôi nghĩ TTKT việc tuân thủ luật pháp thì nên bỏ. Một DN đang hoạt động, không ai kiện cáo, mọi lợi ích đều đang bình thường thì sao phải kiểm tra? Nếu có ai lên tiếng vì bị DN xâm phạm lợi ích thì lúc đó Nhà nước mới can thiệp thông qua tòa án, trọng tài. Không có lý do gì tự nhiên một năm lại vào kiểm tra việc tuân thủ luật pháp. Chỉ nên kiểm tra chuyên ngành về thuế, an toàn thực phẩm…
Không dám sáng tạo vì sợ… ngồi tù
. Quay lại Chỉ thị 20, dù sao đó cũng là một chỉ thị đột phá trong thời điểm hiện nay…
+ Chỉ thị của Thủ tướng có tác dụng giải quyết… hậu quả tức thời của tình trạng TTKT tràn lan. Chi phí, nỗ lực để duy trì việc thực thi nó là rất lớn. Xét về tác dụng thì chỉ thị ấy sẽ hỗ trợ thay đổi tận gốc tư duy về TTKT. Cùng với đó là chức năng, bộ máy, cách thức, công cụ, thậm chí là cả sứ mệnh của TTKT.
Trong một nền kinh tế thị trường, TTKT thực tế là hậu kiểm, quản lý trên cơ sở rủi ro mà thôi. Hơn nữa, quyền lực và quyền lợi luôn gắn với nhau và vì thế TTKT cần phải thay đổi.
. Ý ông là TTKT đang kìm hãm phát triển?
+ Thật ra ngay cả DN nhà nước cũng rất tâm tư với TTKT. Họ không muốn làm vì không tội gì phải sáng tạo, sáng kiến, tăng trưởng nhanh bằng các cách làm khác biệt. Vì cứ khác biệt là thế nào cũng bị TTKT.
TTKT vào là hỏi ngay cái này có đúng quy định không chứ không hỏi có hiệu quả không. Nếu sáng tạo thành công thì cùng lắm là được cái giấy khen, còn sáng tạo không thành công là có nguy cơ vào tù…
Cách thức quản lý nói chung và trong TTKT nói riêng là triệt tiêu sáng tạo, không ai dám làm mới, làm khác vì có nguy cơ chệch luật pháp.
. Nói chung, phải TTKT thì mới phát hiện ra được sai phạm và hướng dẫn việc tuân thủ pháp luật thông qua các trường hợp cụ thể. Ông nghĩ sao?
+ Rất tiếc, TTKT là soi từng vụ việc chứ không soi tổng thể. Một DN nào đó đầu tư 10 dự án, có tám dự án thành công nhưng TTKT chỉ soi hai cái thất bại, mà kinh doanh thì thất bại luôn là một khả năng. Nếu nhìn tổng thể thì không cần gì TTKT cả.
Nếu với tư duy quản lý vì phát triển, phục vụ phát triển thì Nhà nước không thể chỉ cho phép DN được làm trong “khả năng quản lý, khả năng hiểu biết” của mình mà phải “chạy” theo và đáp ứng được những yêu cầu của sáng tạo. Ấy là chưa kể việc thể hiện và lạm dụng quyền lực, tư lợi trong TTKT.
Phải chủ trì xem lại việc có những doanh nghiệp bị kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần, chồng chéo kiểm tra. Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ngày 3-5 |
. Vậy phải làm sao để thay đổi công tác TTKT?
+ Minh bạch hóa thông tin để dân giám sát. Người dân và báo chí giám sát thì tốt hơn nhiều so với TTKT vì có thể ngăn chặn từ đầu chứ không phải vuốt đuôi. TTKT có sự vụ, trong khi cái cần thiết là phải ngăn chặn từ đầu các nguy cơ.
Suy cho cùng, muốn cải cách để TTKT nói riêng phục vụ phát triển thì phải sửa được cái gốc. Hiện tại có thể chưa làm được từ gốc thì phải triển khai hiệu quả Chỉ thị 20 của Thủ tướng. Đồng thời phải sử dụng các công cụ khác như phê bình, kiểm điểm những cơ quan, người đứng đầu để xảy ra tình trạng TTKT nhiều. Chẳng hạn, UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để DN ca thán về TTKT.
Giám sát từ bên ngoài cũng rất cần, đặc biệt là giám sát của báo chí, công luận để tạo ra một áp lực mạnh mẽ hơn. Trên cơ sở đó đúc rút kinh nghiệm, tập hợp lại để sửa đổi chế độ thanh tra theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường.
. Xin cám ơn ông.
Hãy để DN chỉ phải đương đầu với… thương trường Để giảm rủi ro thể chế cho hoạt động kinh doanh, môi trường kinh doanh chỉ có mấy chữ: tự do, cạnh tranh công bằng, được bảo đảm an toàn. Hãy để DN không còn vấp phải rủi ro về thể chế mà chỉ còn đương đầu với rủi ro thương trường. Vì rủi ro thương trường nếu có thất bại thì là để thành công. Còn rủi ro thể chế nếu DN vấp phải là sẽ “chết” hẳn. DN sẽ không biết đường nào mà lần khi mà thể chế “sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng”. TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG |