Liên quan đến vụ “Lo nhà máy giấy tỉ đô “bức tử” sông Hậu” (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin), ngày 30-6, tại Hậu Giang, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam (thuộc Tổng cục Môi trường Bộ TN&MT) kiêm Trưởng đoàn Thanh tra Bộ TN&MT, đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam.
Ngoài nhà máy giấy này, đoàn cũng công bố 28 doanh nghiệp (DN) khác đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đáng chú ý trong 29 đơn vị nằm trong danh sách thanh tra đợt này có bảy DN có vị trí nhà máy đặt tại khu vực sông Hậu, gồm Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam, Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Long Phú - Sông Hậu, Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Long Phú, Nhà máy bia Manssan Hậu Giang, Công ty TNHH MTV Thuốc thú y và Chế phẩm sinh học Vemedim, Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang và Công ty Thủy sản Nam Sông Hậu.
Toàn cảnh nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam. Ảnh: GT
Thời gian đoàn thanh tra tiến hành công việc là 45 ngày kể từ ngày 30-6. Trong đó, ngày 1-7 đến 3-7 đoàn bắt đầu thanh tra DN đầu tiên là Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam. Sau đó, đoàn sẽ bắt đầu thanh tra 28 DN còn lại. Theo ông Trần Phong, đơn vị tham gia lấy mẫu và phân tích mẫu môi trường là Viện Công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Như chúng tôi thông tin, năm 2007, khi dự án Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam (vốn đầu tư 1,2 tỉ USD) bắt đầu khởi động, các bộ, ngành cũng như các chuyên gia yêu cầu phải tính toán, nghiên cứu kỹ vị trí. Họ lo ngại nhà máy giấy nằm ven sông Hậu sẽ ảnh hưởng môi trường.
Sau đó, từ thông tin phản ánh của báo chí và dư luận, ngày 26-6, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với Hậu Giang khẩn trương tiến hành thanh tra, xem xét và đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam. Cụ thể, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung đánh giá tác động môi trường, việc cấp phép xả thải, nước thải của cơ quan chức năng, đặc biệt việc thẩm định công nghệ xử lý nước thải. Đồng thời, đoàn sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật môi trường của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam… Theo yêu cầu, nếu qua thanh tra, kiểm tra mà phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định, kể cả các cá nhân, tổ chức có liên quan. Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu đoàn thanh tra phải có đề xuất cho phép hay chưa cho phép nhà máy vận hành thử nghiệm và đề ra các giải pháp yêu cầu nhà máy tiếp tục hoàn thiện, xử lý triệt để trước khi vận hành.
Thanh tra toàn diện Đoàn thanh tra sẽ thanh tra Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam về các thủ tục pháp lý như cấp phép xả thải, báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ quản lý chất thải nguy hại, các công trình bảo vệ môi trường, tổ chức quản lý chất thải, giám sát công tác bảo vệ môi trường, lấy mẫu khí, nước, chất thải rắn để phân tích… Ngoài đại diện Cục Môi trường miền Nam, Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường tỉnh Hậu Giang, chúng tôi còn mời đại diện Viện TN&MT (Trường ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Văn Lang, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cùng tham gia. Ông TRẦN PHONG, Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam Đề nghị phối hợp, hợp tác đoàn thanh tra Trong thời gian đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, tôi đề nghị các sở, ngành, chính quyền địa phương nơi có DN bị thanh tra hỗ trợ để đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ. Đối với các DN bị thanh tra thì cũng phải hợp tác, tạo điều kiện để đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ. Bởi kết quả của việc thanh tra sẽ giúp các DN khắc phục những hạn chế để trong thời gian tới thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị mình, ổn định hoạt động sản xuất. Ông HỒ VĂN PHÚ, Tại buổi triển khai quyết định thanh tra của Bộ TN&MT, đại diện cho 29 DN tham dự đều không có ý kiến. Khi phóng viên đặt vấn đề với lãnh đạo một số DN thì họ đều từ chối trả lời và chỉ cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với đoàn thanh tra”. |