Theo ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, hiện Bộ TN&MT đã chỉ đạo thanh tra, đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với nhà máy nên ông không thể trả lời ngay một số vấn đề có liên quan như việc sử dụng hóa chất trong sản xuất giấy, xử lý nước thải… Những vấn đề này phải chờ sau khi có kết quả thanh, kiểm tra, đồng thời xin ý kiến thì mới trả lời cho báo chí sau.
Tổng Giám đốc Chung Wai Fu chủ yếu "khoe" công nghệ xử lý nước thải nhưng ĐTM tổng thể thì thừa nhận chưa có mà chỉ có ĐTM phê duyệt năm 2008. Ảnh: GIA TUỆ
Tại cuộc gặp, báo chí cũng đặt vấn đề: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án được phê duyệt từ năm 2008, đã lạc hậu và chủ đầu tư đình hoãn dự án một thời gian dài hơn sáu năm mới khởi động lại dự án nhưng vì sao không thực hiện lại ĐTM?
Trả lời, phía Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, thẩm quyền phê duyệt ĐTM thuộc UBND tỉnh. Thời điểm 2008, tỉnh đã nhờ Bộ TN&MT hỗ trợ trước khi phê duyệt. Còn giai đoạn hiện nay, theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2014, thẩm quyền phê duyệt thuộc về Bộ TN&MT. Hiện phía Sở TN&MT Hậu Giang đã yêu cầu chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn, lập lại ĐTM.
Một góc hệ thống ống của nhà máy xử lý nước thải.
Trước đó, đại diện nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam cho biết sẽ lắp đặt thiết bị giám sát, quan trắc nước thải của dự án 24/24 và nối trực tiếp với Sở TN&MT để Sở theo dõi, giám sát.
Về thông tin này, phía Sở TN&MT Hậu Giang cho hay thiết bị quan trắc nước thải tự động do phía công ty lắp đặt, còn Sở chỉ đấu nối và nhận kết quả qua hệ thống máy tính.
Thông tin từ phía Lee&Man Việt Nam đưa ra là trung tuần tháng 7-2016 sẽ vận hành thử nghiệm để thuận lợi đến trung tuần tháng 8-2016 chính thức vận hành và cho ra sản phẩm. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay, Sở TN&MT chỉ mới trong quá trình chuẩn bị đầu tư máy tính, còn công nghệ, hướng dẫn để giám sát, quan trắc do công ty Lee&Man Việt Nam chuyển giao?!
Như Pháp luật TP.HCM đã thông tin, Nhà máy giấy và bột giấy Lee&Man Việt Nam (Tập đoàn Giấy Lee&Man - Hong Kong) đang được xây dựng tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang), dự kiến trung tuần tháng 8-2016 sẽ hoạt động. Thời điểm năm 2007, khi dự án (vốn đầu tư 1,2 tỉ USD) bắt đầu khởi động, các bộ, ngành cũng như các chuyên gia đã yêu cầu phải tính toán, nghiên cứu kỹ vị trí của các nhà máy nằm ven sông Hậu vì lo ngại ảnh hưởng môi trường. Tháng 5-2008, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức họp với một số bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, tư vấn và nhà đầu tư… để ghi nhận ý kiến đóng góp. Phía tỉnh khẳng định thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trình tự, thủ tục. Những lo ngại về hoạt động và nước thải của dự án này được mổ xẻ. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhà đầu tư cũng khẳng định không gây ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản. Sau tám năm, khi dự án dự kiến đi vào hoạt động với công suất 420.000 tấn/năm, dư luận lại tiếp tục đặt vấn đề giám sát việc xả nước thải ra sông Hậu của nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam được giám sát như thế nào vì khu vực đặt nhà máy giấy không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm do nhà nước vận hành mà công ty tự cam kết xử lý nước thải đạt A rồi xả thẳng ra sông Hậu... |