Trưa 17-6, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: VASEP vừa có công văn gửi Quốc hội và Chính phủ để nghị khẩn cấp chỉ đạo kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam...
Vị trí nhà máy nằm sát sông Hậu - ảnh GIA TUỆ
Một góc nhà máy giấy - ảnh GIA TUỆ
Theo ông Trương Đình Hòe, thời điểm năm 2007 ngay sau khi dự án khởi công, phía VASEP từng kiến nghị cần nghiên cứu kỹ vị trí của nhà máy bột giấy tại khu công nghiệp ven sông Hậu của tỉnh Hậu Giang. Vì theo VASEP, vị trí này của nhà máy sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường nước của vùng nuôi thủy sản và vùng đất màu mỡ ĐBSCL.
Qua tám năm, hiện dự án coi như đã định vị tại vị trí đó nhưng DN xuất khẩu thủy sản vẫn lo lắng và quan ngại về chất thải của nhà máy giấy này.
Theo VASEP, cần có sự xem xét kỹ vấn đề ảnh hưởng môi trường từ chất thải của nhà máy giấy vì dự án nhà máy giấy xả xút công suất khủng sẽ “bức tử” dòng sông Hậu. Đây là quả thực là một vấn đề đáng lo ngại cho vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của cả nước - ĐBSCL, khu vực chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước.
“Vì tầm chiến lược kinh tế thủy sản của khu vực này và tránh có những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản nên VASEP đã có công văn đề xuất với Quốc hội và Chính phủ” - ông Trương Đình Hòe nói.
Dự án của Lee&man sắp đi vào hoạt động nhưng dư luận quan ngại vấn đề môi trường - ảnh GIA TUỆ
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man Việt Nam (Tập đoàn Giấy Lee & Man - Hong Kong) đang được xây dựng tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang), dự kiến cuối năm 2016 sẽ hoạt động.
Thời điểm năm 2007, khi dự án (vốn đầu tư 1,2 tỉ USD) bắt đầu khởi động, các bộ, ngành cũng như các chuyên gia đã yêu cầu phải tính toán, nghiên cứu kỹ vị trí của các nhà máy nằm ven sông Hậu vì lo ngại ảnh hưởng môi trường.
Tháng 5-2008, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức họp với một số bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, tư vấn và nhà đầu tư… để ghi nhận ý kiến đóng góp. Phía tỉnh khẳng định thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trình tự, thủ tục. Những lo ngại về hoạt động và nước thải của dự án này được mổ xẻ. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của nhà đầu tư cũng khẳng định không gây ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.
Sau tám năm, khi dự án dự kiến đi vào hoạt động với công suất 420.000 tấn/năm, dư luận lại tiếp tục đặt vấn đề khu vực nhà máy giấy không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn.
Đáng quan ngại hơn, có thông tin “mỗi năm Nhà máy Lee & Man sẽ thải ra khoảng 28.500 tấn xút. Vùng đặt nhà máy giấy là vùng trũng nhất của khu vực nên khó rửa trôi. Nước thải đổ ra sông Hậu và biển sẽ tiêu diệt nguồn thủy sản…”.
Tuy nhiên, lý giải về thông tin mà dư luận đang đặt ra là hàng chục ngàn tấn xút sẽ thải ra bên ngoài, gây nguy hại cho môi trường nước, một cán bộ có trách nhiệm của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang cho biết: “Theo báo cáo, Nhà máy Lee & Man sẽ sử dụng 215.217 kg xút/ngày cho hoạt động sản xuất giấy. Quá trình sản xuất xút được sử dụng trong một quy trình tuần hoàn (một phần được tái sử dụng) nên lượng xút trong nước thải cũng rất thấp. Chất thải này được thu gom lại, tập trung về nhà máy xử lý, đảm bảo theo tiêu chuẩn. Không có chuyện xút sau khi sử dụng được thải thẳng ra sông Hậu".
Dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hongkong - Trung Quốc) sắp đi vào hoạt động ở cặp bờ sông Hậu (hạ nguồn Mekong). Quy mô nhà máy giấy này là lớn nhất Việt Nam và thuộc TOP 5 trên thế giới. Được biết công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH) là nhiều nhất, đứng hàng thứ hai sau cyanuya, thạch tín. Dự án này chuyên sản xuất, gia công, mua bán các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy, diện tích sử dụng là 200 ha, nay đã giảm xuống còn khoảng 82,8 ha.Trong đó, khoảng 41 ha hoạt động sản xuất giấy, còn lại dành cho sản xuất bột giấy. Tháng 3-2015, dự án Nhà máy giấy Lee &Man Việt Nam đã chính thức khởi công và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8-2016. |