Thâu đêm cứu bệnh nhân bị hội chứng 'trái tim tan vỡ'

Thông tin từ BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, cho biết nữ bệnh nhân HTQP (45 tuổi, ngụ An Giang) được gia đình phát hiện hôn mê sâu nghi do uống thuốc ngủ quá liều vào ngày 13-9.

Bệnh nhân được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh An Giang điều trị một ngày. Tuy nhiên do tình trạng hô hấp không cải thiện, bệnh nhân được chuyển vào BV Chợ Rẫy rạng sáng 15-9.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mạch huyết áp đã ổn định nhưng suy hô hấp và thở máy qua ống nội khí quản. Khai thác bệnh sử, phát hiện có sử dụng thuốc ngủ quá liều nên bệnh viện chuyển bà P. sang khoa Chống độc.

Bệnh nhân đang được điều trị.

“Lúc đó, tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, nghi ngờ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, việc di chuyển từ khoa Chống độc lên phòng thông tim rất khó khăn, nguy cơ tử vong trong quá trình di chuyển và can thiệp mạch vành rất lớn” - BS Linh kể lại.

Khi bệnh nhân được chuyển lên phòng thông tim an toàn, đọc kết quả chụp mạch vành các bác sĩ lại không thấy bất thường nào nhưng phát hiện vùng mõm tim phình to và vô động. Vùng đáy tim tăng động giống như điển hình của bệnh lý cơ tim do stress, hay còn được gọi là hội chứng “trái tim tan vỡ”.

Ngay lập tức bệnh nhân được sử dụng phương pháp ECMO cho tim (phương pháp tối ưu và được lựa chọn nhiều nhất), quá trình chuẩn bị và thực hiện ECMO cứu sống nạn nhân kéo dài từ 00 giờ 30 đến 3 giờ sáng mới hoàn thành.

Sau hai ngày sử dụng ECMO, bệnh nhân ổn định hoàn toàn về mặt huyết động. Đồng thời, bác sĩ đã chủ động ngưng ngay các thuốc trợ tim có thể ảnh hưởng đến tim mạch bệnh nhân.

Đến ngày thứ tư tim bệnh nhân đã tạm ổn và cai được ECMO. Hiện tại, bà P. đã tỉnh táo hơn, tiên lượng tốt tuy còn cần được điều trị rối loạn suy nhược thần kinh, theo dõi trong thời gian đầu.

Theo BS Linh, hội chứng “trái tim tan vỡ” xuất hiện từ năm 1990. Khi mắc phải hội chứng này chức năng co bóp cơ tim của bệnh nhân chỉ còn 1/5 so với bình thường.

Bệnh lý xảy ra 90% ở nữ, nhất là phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, có tiền căn trầm cảm, hay gặp cú sốc tinh thần. 65% yếu tố tâm lý dẫn đến căn bệnh này, kèm theo những cảm xúc buồn quá mức cũng dẫn đến khả năng bị bệnh.

Bác sĩ lưu ý khi mọi người gặp phải những cú sốc trong cuộc sống nên cố gắng giữ sự vững vàng của thần kinh, giúp tim thư giãn. Khi có những chuyện đau buồn nên tìm đến chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm lý để giải tỏa và không được lạm dụng thuốc ngủ.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm