Bắp nướng ăn ngon nhất là phải vùi trong bếp lửa hay đống củi. Do ở đường phố, không gian chật hẹp không tiện nướng bếp củi nên người bán nướng trên lớp than hồng. Nướng bắp phải kèm luôn lớp vỏ, khi lớp vỏ dần cháy đen thì lột từ từ bỏ đi rồi trở tay, quay quay trái bắp vài lần. Lúc này, hột bắp chín đều, dẻo dẻo, thoa một lớp hành mỡ phi, tha hồ ngồi... cạp xì xụp. Cắn hạt bắp nóng hổi, tê tê đầu răng, vậy mà càng ăn càng cảm thấy rất ngon.
Bắp nướng trên bếp củi hay bếp than phải để nguyên có lớp vỏ thì ăn mới ngon. Trong ảnh: Chị Thủy, người bán bắp nướng ở một góc vỉa hè của TP Biên Hòa
Chiều muộn, tôi tấp xe ghé góc vỉa hè trên đường 30-4 mua vài trái bắp nướng. Tranh thủ đứng chờ nướng, tôi hỏi chị ngồi bán bắp: “Nướng luôn lớp vỏ sẽ tốn than làm sao có lời được chị?
Chị Thủy, người bán bắp, nở nụ cười tươi nói: Hồi nhỏ ở quê nướng bắp sao thì giờ nướng y chang như vậy, bán buôn phải có lời nhưng làm sao để khách ghé mua trái bắp chín thơm đều, nóng hổi là chị cảm thấy hài lòng lắm. Chị Thủy tiết lộ hằng ngày chị phải chạy xe đến tận xã Bình Hòa hay xã Tân Triều thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) mua mới có. Bởi giống bắp ở Tân Triều, người dân trồng ở ruộng, lại tưới bằng nước của dòng sông Đồng Nai nên hạt bắp chắc, ngọt, đều nên nướng hay luộc đều ăn ngon hết sẩy.
Bắp nướng là món quà ăn vặt gắn liền với ký ức tuổi thơ của mọi người từng sống ở chốn miền quê. Người đi tha hương làm ăn ở TP mỗi lần đi ngang góc vỉa hè có bày biện bếp than nướng bắp, nghe tiếng hạt bắp nổ lách tách, chắc hẳn cũng nôn nao nhớ quê xa, nhất là vào ngày cận kề cuối năm...