Hiện nay, thị trường vốn đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Các tiêu chuẩn và thông lệ về quản trị công ty đang từng bước cải tiến và áp dụng giúp nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết.
Thị trường hiện có trên 1.800 công ty đại chúng, 750 công ty niêm yết. Quá trình tái cấu trúc tổ chức thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán được đẩy mạnh. Hoạt động của các công ty đại chúng, doanh nghiệp (DN) niêm yết được cải thiện. Nhà đầu tư tiếp tục hoạt động tích cực trên thị trường. Năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 ghi nhận quy mô nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng nhanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn.
Đó là việc xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, “làm giá” ngày càng tinh vi; nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số DN đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.
Thị trường trái phiếu DN tăng trưởng nhanh tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tham gia mua trái phiếu DN.
Một số trường hợp đã có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu DN riêng lẻ. Tình hình tài chính của một số DN phát hành còn hạn chế; một số DN có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố.
Để đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cần phải tổ chức điều hành thị trường gắn với hoàn thiện khung khổ pháp lý.
Thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu chính phủ chắc chắn sẽ được điều chỉnh bằng nhiều công cụ pháp lý và thị trường cũng như gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19.
Đặc biệt, thị trường trái phiếu DN sẽ tiếp tục được thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các DN, trong đó tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Trước mắt, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành; các DN yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án; DN sau khi phát hành phải thông báo ngay cho sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được tái cấu trúc, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường theo hướng tập trung vào nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Đồng thời, các tổ chức cung cấp dịch vụ nếu sai phạm sẽ bị rút giấy phép; khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường.
Bên cạnh việc cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới cầu đầu tư bền vững, công tác giám sát sẽ được chú trọng đặc biệt để nâng cao hiệu quả. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, giám sát để vừa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường, vừa phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán.
Đặc biệt, đối với thị trường cổ phiếu và trái phiếu DN, các cơ quan này sẽ tập trung thanh tra, giám sát những hành vi như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường… Điều này nhằm đảm bảo những hành vi thao túng phải bị xử phạt nghiêm minh, những DN thực hiện đúng quy định thì được hỗ trợ để phát triển bền vững.
Bộ Tài chính cũng sẽ tăng nguồn lực thanh tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ nghiệp vụ quản lý và giám sát.