Thêm nhiều trẻ em được mổ tim miễn phí

Huế mùa này đang là mùa mưa. Mưa rả rích ngày đêm khiến cho phố phường trở nên vắng vẻ hẳn. Tuy nhiên, ở một góc BV Trung ương Huế, nơi đang diễn ra sự kiện khám sàng lọc của chương trình Trái tim cho em dòng người vẫn không ngớt đổ về.

Rớt nước mắt thương con

Theo chương trình, tất cả trẻ em trên địa bàn tỉnh có nghi ngờ mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ được khám sàng lọc miễn phí và nhận được tư vấn điều trị của các bác sĩ chuyên khoa. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ xin trợ giúp để các cháu nhận được kinh phí phẫu thuật miễn phí từ chương trình.

Chính bởi ý nghĩa to lớn đó mà không chỉ những gia đình có con nghi mắc bệnh tim bẩm sinh trong địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế mà ở các tỉnh phụ cận cũng có mặt từ sớm để đưa con em mình đến khám sàng lọc. Mỗi người một số phận, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu trung lại ai cũng hồi hộp và lo lắng chờ đợi kết quả khám của con em mình.

“Đưa cháu về nhé, tim cháu bình thường”, chỉ cần được nghe câu đó từ miệng bác sĩ là nụ cười của phụ huynh có thể nở trên môi. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy.

Cha mẹ cháu Lê Hà My là một trường hợp như thế. Cháu mới được 12 tuần tuổi, vẫn lim dim ngủ trên tay mẹ, không hề cảm nhận được nỗi đau từ trái tim của đấng sinh thành khi nghe bác sĩ kết luận cháu đã bị tim bẩm sinh, hơn nữa còn ở tình trạng rất nặng, nếu không được mổ can thiệt sớm thì nguy cơ tử vong rất cao.

BS Trần Hoài Ân (Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tim mạch BV Trung ương Huế) trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: V.THỊNH

Ôm con trên tay, chị Trần Thị Oanh (mẹ cháu Hà My) thỉnh thoảng lại đưa tay lên quệt nước mắt mỗi khi con trở mình khóc ré lên. “Cháu yếu quá nhưng cũng nhờ chương trình này mà vợ chồng tôi mới đưa cháu đi khám, lại có cơ hội được mổ miễn phí nên vợ chồng tôi mừng lắm” - chị Oanh tâm sự.

Cũng chung hoàn cảnh như vậy, ông Hồ Văn Buồn (dân tộc Cơ Tu) đến từ huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) cũng đưa con đến khám. Bản thân mang trong mình nhiều bệnh tật, ông Buồn bày tỏ: “Hai cha con tôi quanh năm đi trạm xá không à. Tôi bệnh mà con cũng bệnh, mổ lên mổ xuống mà chưa khỏi”.

Người đàn ông đến từ huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên-Huế không biết được từ nhà mình đến bệnh viện phải đi mất bao nhiêu cây số, bao nhiêu thời gian, chỉ nhớ hai cha con đi mất 50.000 đồng tiền xe. “Vợ đi cạo vỏ cao su ngày có 100.000 đồng, không đủ tiền lo bệnh cho hai cha con” - ông Buồn nói.

Cháu Nguyễn Thị Hòa (13 tuổi) được anh trai Nguyễn Ngọc Tìu đưa từ Quảng Bình đến khám sàng lọc. Hòa sinh ra trong một gia đình có năm người. Cả năm miệng ăn đều trông vào việc đánh bắt cá của cha mẹ và các anh nên quanh năm vẫn bữa được bữa mất. Hòa phải nghỉ học từ năm lớp 4 để phụ giúp gia đình. Cầm trên tay tờ kết quả, Hòa rơm rớm nước mắt sợ cha mẹ trách vì lỡ mang bệnh. Sau khi được giải thích chi phí cho ca mổ sẽ được chương trình hỗ trợ, khuôn mặt Hòa mới giãn ra rạng rỡ.

Những cuộc đời được cứu vớt

Rời BV Trung ương Huế, chúng tôi tìm đến nhà những bệnh nhân đã từng được chương trình hỗ trợ mổ tim miễn phí. Căn nhà chúng tôi tìm đến là nhà cháu Dương Quốc Thiện, Thiện được hỗ trợ mổ tim bệnh thông liên nhĩ lúc ba tuổi.

Nhìn căn nhà khang trang vừa mới được xây lại của gia đình, khó có thể tin cha mẹ Thiện đã từng khốn đốn không biết lấy tiền đâu để mổ tim cho con.

Tâm sự với chúng tôi, anh Dương Xuân Dũng (cha cháu Thiện) trần tình: “Ngày trước cháu ốm đau suốt, bao nhiêu tiền của gia đình dồn vào lo chữa chạy cho cháu, việc làm ăn của cha mẹ cũng bị bê trễ. Sau khi được mổ miễn phí, sức khỏe của Thiện đã ổn định. Cũng nhờ vậy mà gia đình tập trung làm ăn mới có cơ ngơi khấm khá như thế này”.

Cũng từng được chương trình hỗ trợ mổ tim miễn phí, em Nguyễn Bích Bảo Ngọc từ cô bé thường xuyên ốm đau ngày xưa, giờ đã trở thành nữ sinh xinh xắn của hai trường CĐ ở Thừa Thiên-Huế. Ngoài việc đồng thời đi học cả hai trường, Ngọc còn đi làm thêm để phụ giúp gia đình.

Nhớ lại thời điểm mình được chẩn đoán mắc bệnh tim, ký ức Ngọc chỉ là khuôn mặt đầy lo âu của cha mẹ. “Thời đó gia đình em khó khăn lắm, nếu không được hỗ trợ thì không biết cha mẹ em lấy đâu ra tiền để cho em được mổ” - Ngọc nói.

Theo BS Trần Hoài Ân (Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tim mạch BV Trung ương Huế), tim bẩm sinh tần suất xuất hiện khoảng 1% trên những đứa trẻ sinh ra. Như vậy tìm theo mức độ các nơi thì 100 các cháu được sinh ra đời sẽ có một cháu bị tim bẩm sinh.

“Đại đa số bệnh tim bẩm sinh cần được phẫu thuật sớm thì sẽ không bị những biến chứng về phổi, suy tim, không thể phẫu thuật được nữa. Cho nên chẩn đoán sớm là vấn đề rất quan trọng để điều trị tim bẩm sinh. Chương trình khám sàng lọc có ý nghĩa rất lớn là tầm soát trong cộng đồng để phát hiện ra các bệnh tim bẩm sinh và tùy theo mức độ bệnh mà có những chỉ định để phẫu thuật sớm được” - BS Ân cho hay.

Đã mổ miễn phí cho hơn 3.200 bệnh nhi

Sau tám năm triển khai, chương trình Trái tim cho em đã vận động được hơn 130 tỉ đồng, chữa khỏi bệnh tim bẩm sinh cho hơn 3.200 bệnh nhi nghèo trên toàn quốc, hỗ trợ nâng cao năng lực cho bệnh viện tim mạch. Chương trình đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện phẫu thuật cho 3.000 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh tim bẩm sinh, thực hiện khám sàng lọc cho 3.000 trẻ em nghèo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm