Thi hành án tử hình đối với người nước ngoài thế nào?

(PLO)- Theo LS, thi hành án tử hình với người nước ngoài sẽ theo thủ tục chung của pháp luật  Việt Nam, nhưng...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-5, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm và tuyên bị cáo Jeong Incheol (quốc tịch Hàn Quốc) mức án tử hình về tội giết người và tám năm tù về tội cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Đây là bị cáo trong vụ án đầu độc đồng hương rồi phân xác phi tang từng gây rúng động dư luận tại TP.HCM.

Bị cáo Jeong Incheol bị tuyên án tử hình vì đầu độc đồng hương rồi phân xác phi tang. Ảnh: SONG MAI

Bị cáo Jeong Incheol bị tuyên án tử hình vì đầu độc đồng hương rồi phân xác phi tang. Ảnh: SONG MAI

Do bị cáo là người nước ngoài nên sau khi toà tuyên án tử hình, nhiều bạn đọc thắc mắc về vấn đề thi hành án đối với bị cáo này có gì khác biệt hay không?

Về vấn đề này, luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thục (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, Luật Thi hành án hình sự không quy định riêng về việc thi hành án hình sự có yếu tố nước ngoài. Do đó, khi bản án có hiệu lực pháp luật việc thi hành án tử hình người nước ngoài tương tự như thi hành án tử hình đối với công dân Việt Nam.

Thủ tục thi hành án tử hình được quy định tại Chương IV Luật hành án 2019. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình.

Khi có quyết định thi hành án tử hình, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có văn bản yêu cầu Viện trưởng VKSND cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu cử đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng thi hành án tử hình. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình.

Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình triệu tập họp, công bố các quyết định có liên quan đến việc thi hành án tử hình, thời gian thi hành án; địa điểm mai táng… Tại khoản 1 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự quy đinh, việc thi hành án tử hình hiện nay được tiến hành bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Cũng theo LS Thục, ngoài những quy định trên thì pháp luật Việt Nam có những quy định riêng biệt trong việc thi hành án tử hình đối với người nước ngoài.

Đối với thủ tục nhận tử thi, tro cốt và hài cốt, tại Điều 13 Thông tư liên tịch số 02/2020 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng - Bộ Y tế - Bộ Ngoại giao - TANDTC - VKSNDTC quy định, trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài thì Chánh án Tòa án ra quyết định thi hành án thông báo bằng văn bản cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền để đề nghị liên hệ với thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người nước ngoài bị thi hành án tử hình biết để làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt.

Sau khi Chánh án Tòa án đã ra thông báo mà không nhận được đơn xin nhận tử thi, tro cốt thì coi như thân nhân, người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình từ chối nhận tử thi, tro cốt.

Tại Điều 83 Luật THAHS 2019 quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án tử hình, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện của người bị thi hành án tử hình biết để làm đơn xin nhận tử thi. Đơn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch và phải được dịch sang tiếng Việt.

Trường hợp cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu tổ chức việc mai táng người bị thi hành án tử hình thì sau 3 năm kể từ ngày thi hành án, thân nhân hoặc người đại diện của người đã bị thi hành án được làm đơn đề nghị nhận hài cốt; đơn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch và phải được dịch ra tiếng Việt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm