Sáng 14-5, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019.
Rà soát nhân sự tại ba điểm nóng
Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang là ba tỉnh để xảy ra bê bối gian lận thi cử chấn động trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, do đó tại hội nghị trực tuyến sáng 14-5, công tác tổ chức thi của các tỉnh này được Bộ GD&ĐT khá lưu ý.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 tỉnh Hà Giang, cho biết: Thể hiện quyết tâm hoàn thành tốt kỳ thi THPT quốc gia 2019, đồng thời để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, tỉnh đã cho thành lập ban chỉ đạo thi ở từng huyện. Đồng thời, tỉnh cũng cho rà soát từng thành viên trong ban chỉ đạo. Thành viên nào liên quan đến năm trước hay có vấn đề sẽ không dùng tiếp cho năm nay. Tỉnh cũng chú trọng, lựa chọn kỹ nhân sự tham gia công tác thi, có phương án hỗ trợ thí sinh...
“Với bài học của năm 2018, tỉnh sẽ không để những tồn tại của năm trước diễn ra, trên cơ sở đánh giá lại sai phạm của năm trước để tìm ra những kẽ hở. Chúng tôi quyết tâm tổ chức kỳ thi năm nay hiệu quả, chắc chắn không để xảy ra tiêu cực” - ông Quý nói.
Đây cũng là tinh thần của địa phương để xảy ra tiêu cực trong thi cử như Sơn La, Hòa Bình. Tại Hòa Bình, với gần 9.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết công tác chuẩn bị kỳ thi đã ổn định từ cơ sở vật chất đến kinh phí…
Đối với tỉnh Sơn La, ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019, cho biết tỉnh đã thực hiện nghiêm túc quy chế và quy trình thi do Bộ GD&ĐT ban hành. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, tài chính cho kỳ thi năm nay đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Rút kinh nghiệm từ năm trước, đại diện ban chỉ đạo thi tỉnh Sơn La cam kết Sơn La năm nay sẽ quyết tâm thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Tuyệt đối không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất của kỳ thi THPT quốc gia”.
Ba nhóm việc địa phương cần ghi nhớ
Lưu ý đến ba tỉnh để xảy ra gian lận thi cử năm 2018 cũng như lưu ý chung với 63 địa phương tổ chức kỳ thi năm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Chuẩn bị dù có chu đáo đến mấy nhưng tuyệt đối không được chủ quan, các khâu kiểm tra, thanh tra phải được hết sức coi trọng.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành giáo dục cũng lưu ý ba nhóm việc để các địa phương ghi nhớ.
Thứ nhất, phải nhận diện rất rõ công việc phải làm. Thứ hai, phải phân công đúng người, đúng việc và từng người phải biết trách nhiệm, yêu cầu công việc của mình. Và cuối cùng, mỗi việc phải có quy trình cụ thể, chặt chẽ.
“Ba nhóm việc trên đều phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện sơ hở, thiếu sót, từ đó nhanh chóng khắc phục. Cùng với đó, lưu ý lựa chọn nhân sự tham gia kỳ thi không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuyên môn mà cả phẩm chất đạo đức” - Bộ trưởng Nhạ nói.
Ngoài ba nhóm việc trên, Bộ trưởng Nhạ nhắc nhở các địa phương năm vấn đề cần lưu tâm liên quan đến coi thi; chấm thi; thanh tra, kiểm tra; đảm bảo an ninh trong và ngoài phòng thi, đảm bảo cả thể chất và tinh thần cho thí sinh, cán bộ làm công tác thi cử; công tác hậu cần. Đối với năm nhóm việc trên cần rà soát, phân công, phân nhiệm nhịp nhàng, đặc biệt phát huy tinh thần chủ động của địa phương.
“Chúng ta tuyệt đối không chủ quan, dù là nhỏ nhất” - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh điều này trước yêu cầu kỳ thi năm nay phải đạt mục tiêu là giảm áp lực, an toàn, công bằng, khách quan, tạo được niềm tin trong xã hội.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết nội dung của đề thi THPT 2019 nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12, bám sát đề thi tham khảo. Mục đích của kỳ thi là kiểm tra, đánh giá năng lực người học sau 12 năm nhưng sẽ nhẹ nhàng, không gây áp lực. |