Bộ GD&ĐT sẽ không ban hành cấu trúc đề thi THPT quốc gia. Thay vào đó, sắp tới Bộ sẽ ban hành ma trận đề thi, trong đó sẽ có những nội dung, dạng câu hỏi từ cơ bản đến vận dụng thực tiễn. Từ đây, giáo viên (GV) sẽ nắm bắt các dạng câu để ôn tập cho học sinh (HS). Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết như trên sáng 12-3 tại TP.HCM.
Thí sinh THPT và GDTX đều làm được
Từ cuối tháng 2-2015, Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Quy chế kỳ thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy áp dụng cho năm 2015. Việc ban hành hai quy chế này đã giúp các trường THPT, HS, GV và phụ huynh nắm bắt được các thông tin một cách đầy đủ về kỳ thi. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên tổ chức kỳ thi “hai trong một” nên vấn đề khiến các trường THPT lo lắng và chờ đợi nhất hiện nay là cấu trúc đề thi năm nay sẽ như thế nào. Nếu Bộ công bố cấu trúc từng môn thi, các trường sẽ dễ dàng định hướng ôn tập cho HS, qua đó chuẩn bị tốt hơn khi bước vào kỳ thi.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lý giải: “Việc Bộ không đưa ra cấu trúc đề thi vì yêu cầu của đề thi năm nay hướng đến phát triển năng lực HS, phân hóa được trình độ các em từ thấp đến cao sao cho vừa làm cơ sở xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Các em không chỉ nắm kiến thức mà còn biết vận dụng, liên kết những gì đã học vào thực tiễn. Có như thế mới là học gì thi nấy, sẽ hạn chế được việc học tủ theo khuôn mẫu và học lệch. Như các môn khoa học xã hội, Bộ sẽ ra đề dạng mở để HS được trình bày theo suy nghĩ của bản thân. Tất nhiên mỗi môn đều có chuẩn đánh giá riêng nhưng sẽ linh hoạt chứ không áp dụng máy móc”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Chi phí cho kỳ thi năm nay dự kiến sẽ giảm khoảng 40 tỉ đồng so với mọi năm”. Ảnh: P.ANH
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng lưu ý đề thi năm nay sẽ đảm bảo nội dung cân đối cho cả hệ THPT và GDTX. Tất cả dữ liệu của kỳ thi và tuyển sinh được xử lý tự động bằng máy tính và công khai trên mạng để giúp thí sinh và các cơ sở giáo dục nắm bắt, cập nhật thông tin trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi.
Theo ông Hiển, vì chỉ còn một kỳ thi nên áp lực học tập của HS được giảm. HS được thoải mái lựa chọn trường theo nguyện vọng và khả năng, hạn chế tình trạng đạt điểm cao nhưng rớt ĐH như mọi năm. Chi phí cho kỳ thi năm nay dự kiến sẽ giảm khoảng 40 tỉ đồng so với mọi năm.
Còn băn khoăn về cơ chế phối hợp
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết khu vực TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ (Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh và Long An) dự kiến có bảy cụm thi. Các cụm thi này sẽ do ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Công nghiệp TP.HCM chủ trì.
Dự kiến các trường ĐH Nông Lâm TP.HCM và ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ đảm nhận khoảng 30.000 thí sinh; Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức thi cho khoảng 25.000 thí sinh; ĐH Y Dược TP.HCM sẽ đảm nhận khoảng 20.000 thí sinh. Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến sẽ đảm trách cho khoảng 45.000 thí sinh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này ĐH Quốc gia TP.HCM đang nóng lòng chờ hướng dẫn từ Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia về số liệu phân bổ thí sinh để xây dựng kế hoạch chi tiết sớm (số điểm thi, số phòng thi, giám thị…). “Đây là kỳ thi “hai trong một”, vì vậy chúng tôi có nhiều băn khoăn về khâu tổ chức, cơ chế phối hợp giữa ban chỉ đạo kỳ thi quốc gia và ban chỉ đạo các cụm thi để đảm bảo thông tin thông suốt trong điều hành, chỉ đạo” - ông Chính nói.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tự tin cho biết với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức thi ĐH quy mô lớn, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 trường đảm trách cụm thi tại TP.HCM sẽ không có gì gây xáo trộn.
Trước đây trường hoàn toàn chủ động sắp xếp địa điểm thi, số lượng phòng thi, tổ chức cán bộ coi thi, tìm GV chấm bài thi. Còn kỳ thi năm 2015 trường sẽ phối hợp Sở GD&ĐT TP.HCM để làm các việc này. “Tuy nhiên, vẫn chưa có hướng dẫn cơ chế phối hợp từ Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia nên trường chưa có kế hoạch chi tiết” - PGS-TS Minh cho biết.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ diễn ra trong bốn ngày đầu tháng 7 tới. Năm nay sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh (một cụm có ít nhất hai tỉnh, TP) dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT và tham gia dự tuyển ĐH, CĐ. Những cụm này sẽ do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với các sở GD&ĐT. Đồng thời, có hơn 60 cụm thi tỉnh (theo trường hoặc liên trường) dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp THPT sẽ do Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH. Đây là kỳ thi “hai trong một” nên công tác cán bộ coi thi cần được tập huấn kỹ, vì yêu cầu mức độ nghiêm ngặt cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây nhằm hạn chế các tiêu cực, sai sót. PGS-TS NGUYỄN ĐỨC MINH, |