Thị trường chứng khoán Việt sẽ bứt phá?

(PLO)-Thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục đáng kể nhờ vào sự quyết liệt hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ cũng như kinh tế toàn cầu có dấu hiệu hạ cánh mềm trong ngắn hạn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VN Index vừa chính thức quay lại mốc 1.300 điểm, vốn được thiết lập từ tháng 6-2022. Đây là điều mà giới đầu tư đang kỳ vọng nhiều nhất để chứng khoán có cơ hội bùng nổ trong thời gian tới sau khi đã vượt qua ngưỡng kháng cự đã chặn đà tăng chứng khoán từ rất lâu.

Những kỳ vọng

Thực tế, mất hai năm tròn, VN Index mới lập lại đỉnh cũ, tuy nhiên vẫn còn cách xa mức điểm cao nhất của mình là hơn 1.500 điểm.

Theo giới phân tích, thị trường chứng khoán vẫn đang kỳ vọng nhiều sự tăng trưởng trong thời gian tới vì số tài khoản chứng khoán đã lên gần 8 triệu tài khoản. Dòng tiền nội đã lấn át dòng tiền ngoại, bất chấp khối ngoại bán ròng suốt thời gian qua.

Kinh tế vĩ mô trong nước vẫn hỗ trợ cho thị trường chứng khoán như lãi suất vẫn thấp, doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn, mỗi doanh nghiệp cũng có những câu chuyện riêng tạo hấp dẫn cho thị trường.

Với tín hiệu hạ nhiệt của tỉ giá nhờ vào nỗ lực bình ổn thị trường ngoại hối và thị trường vàng, tâm lý nhà đầu tư theo đó dần được giải tỏa và thúc đẩy thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên.

Ông Chung Jae Hoon, Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán BIDV cho biết, mặt bằng định giá của thị trường chứng khoán Việt đang ở vùng thấp cùng với mức tăng trưởng lợi nhuận từ 15-20% trong năm 2024, cùng dự kiến thay đổi giao dịch mới và các quy định hướng tới nâng hạng thị trường sẽ tạo động lực bứt phá cho thị trường.

Có thể thu hút 50 tỉ đô la Mỹ của các nhà đầu tư ngoại

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital cho biết, thị trường vốn gồm thị trường trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, và thị trường chứng khoán chiếm khoảng 70% GDP. Trong đó, thị trường chứng khoán chiếm 50% GDP. Ở những thời điểm tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường chứng khoán đã lên đến 70-80% GDP. Mục tiêu của Việt Nam là đưa thị trường chứng khoán chiếm 120% GDP vào năm 2030. Điều này có nghĩa thị trường còn rất nhiều dư địa để phát triển thêm trong nhiều năm tới.

"Giá trị quan trọng nhất trên thị trường chứng khoán không chỉ là yếu tố tài chính mà còn là uy tín, thương hiệu và niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Trong 10 năm gần đây thị trường chứng khoán phát triển nhanh về lượng. Cách đây 10 năm, giá trị vốn hoá của thị trường chỉ vào khoảng 35 tỉ đô la Mỹ, hiện tại thị trường đã lên con số 250 tỉ đô la Mỹ. Tức là tăng gấp 8 lần trong một thập kỷ qua.

Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khá tốt về thị trường chứng khoán Việt. Sức hấp dẫn của thị trường có thể thu hút nguồn lực khoảng 50 tỉ đô la Mỹ của các nhà đầu tư ngoại trong thời gian tới. Tuy nhiên, Việt Nam phải điều chỉnh nhiều quy định về tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực thì mới có khả năng thu hút và hấp thụ nguồn vốn này” - Ông Dominic Scriven nói.

Thị trường chứng khoán thường phản ánh theo xu hướng nền kinh tế trong tương lai. Với các dự báo tăng trưởng tốt cho kinh tế Việt Nam đến hết năm 2024 có thể thấy thị trường sẽ có những bước đi chắc chắn hơn.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán Tập đoàn VinaCapital nhận định, vào năm 2023 có khá nhiều thông tin về nhà máy đóng cửa, hết đơn hàng công nhân phải nghỉ việc... gây khó khăn cho nhà xuất khẩu.

Ngược lại, năm 2024, mọi chuyện trở nên tốt hơn khi các nhà máy tăng hết công suất để thực hiện đơn hàng, thậm chí nhiều nhà máy còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Theo bà Thu, xuất khẩu Việt Nam đang hồi phục trên diện rộng vì sự tăng trưởng dương khá tích cực, khi đơn hàng mới tăng, còn hàng tồn kho giảm, đặc biệt ngành hàng máy tính và điện tử đang bật lên mạnh mẽ.

thị trường chứng khoán
Triển vọng thị trường chứng khoán trung và dài hạn vẫn tích cực khi nhìn vào bức tranh lớn. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Các ngân hàng vẫn sẽ tập trung đi theo định hướng hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đồng thời việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp cũng giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp có mức tăng trưởng tốt. Những yếu tố này sẽ giúp thị trường chứng khoán có giai đoạn bứt phá tốt hơn trong thời gian tới.

Kinh tế thế giới bứt tốc, thị trường chứng khoán Việt bứt phá

Do là một nền kinh tế mở nên các biến động của kinh tế toàn cầu cũng có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán SSI nhận định, rủi ro về địa chính trị và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ trì hoãn giảm lãi suất sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các cân đối vĩ mô trong nước và sẽ tác động không tích cực đến thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, Tập đoàn VinaCapital mới đây cho rằng, việc phục hồi xuất khẩu của Việt Nam đã giúp thúc đẩy giá cổ phiếu của các công ty logistics hàng đầu trong nước tập trung vào thương mại quốc tế cũng như các công ty quản lý khu công nghiệp tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng xuất khẩu trên khắp châu Á bắt đầu phục hồi vào năm ngoái và sau đó tăng tốc, dẫn đến khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển tăng lần lượt 40% và 30% so với cùng kỳ năm trước trong quý I-2024.

Điều này cùng với phí xử lý hàng hóa do Chính phủ điều chỉnh tăng và tiến độ của các dự án mở rộng công suất đang diễn ra. Việc này đã thúc đẩy các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến cổ phiếu ngành logistics trong năm qua.

Theo bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ UOB Asset Management, năm 2024 với kỳ vọng là kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn thì thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi từ phục hồi kinh tế và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó, dòng vốn quốc tế sẽ vào nhiều hơn trong thị trường chứng khoán.

"Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2024. Mục tiêu này là khả thi vì xuất khẩu đang dần phục hồi rõ nét. Vì xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong kinh tế Việt Nam nên sẽ giúp tăng trưởng GDP tốt hơn. Nếu đạt được, thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi vì thị trường thường đi trước kinh tế vĩ mô. Nhà đầu tư cũng nhìn vào đó để hoạch định kế hoạch đầu tư" - bà Nhật Lệ cho biết.

Các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp có suy thoái kinh tế toàn cầu thì nhà đầu tư nên giảm danh mục đầu tư ở những công ty xuất khẩu, có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nước ngoài, hoặc doanh nghiệp liên quan đến FDI vì khi kinh tế suy thoái sẽ ảnh hưởng đến luồng vốn đầu tư quốc tế.

Bức tranh sáng hơn của thị trường chứng khoán

Triển vọng thị trường chứng khoán trung và dài hạn vẫn tích cực khi nhìn vào bức tranh lớn. Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục.

Nhờ vậy, kỳ vọng về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết quay lại quỹ đạo tăng trưởng là một trong những động lực chính cho TTCK Việt Nam trong quý II và nửa cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn cũng là một yếu tố quan trọng cho thị trường chứng khoán. Giai đoạn nửa cuối năm cũng là lúc các nhà đầu tư bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho 2025 và đang có những cơ sở để cho rằng sẽ có những hồi phục tốt hơn về kinh tế thế giới và Việt Nam, trong khi các yếu tố rủi ro cũng sẽ hiện diện rõ hơn và có thể có tác động nhẹ hơn đối với thị trường

Công ty chứng khoán SSI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm