Thiếu vắng hình thức vãng gia: Có những đứa trẻ rời trường cuối năm...

(PLO)- Có một lỗ hổng mà bấy lâu nay ngành giáo dục ít quan tâm và ít giáo viên chủ nhiệm còn lưu tâm đến, đó là hình thức vãng gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuẩn bị kết thúc năm học, tôi quan sát một số lớp thì thấy thiếu vắng một số bạn học sinh thường gặp. Tôi hỏi giáo viên chủ nhiệm các lớp đó thì được biết, các bạn đã chuyển trường, hoặc đã bị đình chỉ học hoặc rút hồ sơ... Vậy là có những đứa trẻ rời trường cuối năm.

Giáo viên chủ nhiệm của các em học sinh nghỉ học đó đều đã nói chuyện rất nhiều với phụ huynh. Họ cũng đã trao đổi nhiều lần về tình hình học tập, tình hình rèn luyện của cá nhân học sinh, những khuyết điểm, những vi phạm đến mức kỷ luật, và cuối cùng đã cân nhắc các hình thức kỷ luật. Đối với mỗi giáo viên đứng lớp và giáo viên chủ nhiệm, nhìn chung đều không mấy hài lòng với các học sinh hay vi phạm kỷ luật, dù ở mức độ nào.

Hơn nữa, việc học sinh có những khuyết điểm nhiều lần, được nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm dường như cũng làm cho giáo viên mất kiên nhẫn. Để giữ gìn trật tự chung của lớp, cũng như có những hình thức kỷ luật phù hợp nhằm nêu gương cho các bạn khác, dường như giáo viên và nhà trường đều yêu cầu học sinh viết tường trình và viết kiểm điểm để trao đổi với phụ huynh.

Điều đó là hợp lý, nhưng nếu các em tiếp tục vi phạm thì giấy kiểm điểm đó được lặp lại và là bằng chứng trong hồ sơ học sinh về những vi phạm kỷ luật, khiến các em bước ra khỏi cánh cổng trường sớm hơn bạn bè cùng trang lứa.

Với một người quan sát bình thường, quy trình làm việc và hoạt động giáo dục cũng như cách xử lý đều thừa nhận tất cả các bên liên đã cố gắng để giáo dục học sinh có khuyết điểm. Tuy nhiên, có một lỗ hổng mà bấy lâu nay ngành giáo dục ít quan tâm và ít giáo viên chủ nhiệm còn lưu tâm đến, đó là hình thức “vãng gia”.

Trong một lần trao đổi với thầy Đồng Công Hiển (Hiệu trưởng trường THCS Phước Bình, Thủ Đức) thầy đã nói rằng “Vãng gia là hoạt động của giáo viên chủ nhiệm đến thăm gia đình học sinh của mình. Mục đích là để biết hoàn cảnh của học sinh đó như thế nào nhằm kết hợp với phụ huynh cùng giáo dục học sinh”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hình thức vãng gia gần như mai một trong hoàn cảnh ở đô thị hiện nay.

Khi giáo viên mời phụ huynh đến trường trao đổi về tình hình học sinh, chúng ta chỉ mới thấy một phần nào đó của gia đình ấy, nghe câu chuyện và đưa ra nhận định. Tuy nhiên, khi đến nhà và dùng giác quan để cảm nhận ngôi nhà các bạn học sinh sống, bầu không khí trong gia đình thì biết đâu, giáo viên chúng ta có thêm một góc nhìn khác.

Hơn thế nữa, dù trong bối cảnh nào, thời nào thì cuộc gặp mặt giữa giáo viên và phụ huynh cũng luôn làm học sinh lưu tâm và dè dặt hơn, đó dường như là sự tác động tâm lý lên học sinh. Bởi vậy, cuộc gặp mặt ấy diễn ra ngay trong gia đình mình, có thầy cô, có ba mẹ và bản thân các bạn học sinh đó ngồi cùng làm tăng thêm sự uy nghiêm của người thầy. Khung cảnh đó có thể gợi lên trong lòng học sinh và gia đình họ “sự thấu hiểu” từ giáo viên đối với gia đình. Sự thân mật trong bầu khí đó biết đâu ta lắng nghe được nhiều hơn.

Hơn 10 năm sống và làm việc trong môi trường trung học cở sở, tôi chứng kiến rất nhiều bạn học sinh 12, 13 tuổi bỏ học giữa chừng. Phải nói thật lòng là sự trăn trở trỗi dậy trong tôi. Tôi thấy có lỗi và thật sự “áy náy” vì không tìm cách can thiệp sớm hơn để biết đâu “níu giữ” được các bạn học sinh đó ở lại trường.

Ví dụ như có thể nói chuyện với các bạn đó sớm hơn, và kể cả tìm đến gia đình đó dù không phải là giáo viên chủ nhiệm để gặp gỡ thân tình với gia đình học các bạn sinh đó. Nhưng để biện minh cho mình vì “thiếu nhiệt tình” tôi đã dùng đến sự biện minh là bản thân không có thời gian, không thể giải quyết hết các trường hợp. Và, lý do hợp lý hơn cả, tôi đã lấy vị thế người thầy để “an ủi” chính bản thân mình rằng, mình đã nhắc nhở nhiều lần đối với các bạn ấy, đã trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, đã phản ánh với phụ huynh… Đó dường như là lý do bản thân tôi đưa ra để "chối bỏ trách nhiệm của người thầy".

Giờ đây, những đứa học sinh đang ở đâu, mưu sinh cùng gia đình hay bị đọa đày trong không gian không nên thuộc về các em. Mỗi buổi chiều về, tôi gặp một bạn nhỏ lớp 6 đứng trước cổng trường với tay gọi tôi. Một bạn gầy gò, hiếu động và “khó chịu” làm tôi suy nghĩ về trách nhiệm của mình. Hay một học sinh lớp 8 đã nghỉ học, không còn mặc đồng phục đến trước cánh cổng trường nhìn vô sân trường, nơi bạn bè mình chơi đùa và học tập.

Giáo dục là một phương cách để các bạn ấy có một cơ hội tốt hơn trong một xã hội thay đổi không ngừng. Triết gia Hannah Arendt đã nói đại ý rằng: “Giáo dục là nơi, mà ở đó chúng ta quyết định liệu chúng ta có yêu mến thế giới đủ để đảm nhận những trách nhiệm.

Không ai dám chắc điều gì về tương lai, nhưng nếu những đứa trẻ có sự dẫn dắt từ một người thầy/cô có trách nhiệm và yêu thương thì chúng có cơ hội vượt qua những bất ổn như chính người thầy đã trải qua ở giai đoạn như chúng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm