Thỏa thuận Mỹ-Philippines về đâu?

Ứng cử viên tổng thống Rodrigo Duterte, 71 tuổi đã từng tuyên bố phản đối ảnh hưởng của Mỹ đối với Philippines và sẽ thay đổi chính sách đối ngoại hiện nay. Bởi thế chưa rõ số phận của thỏa thuận chia sẻ căn cứ quân sự giữa Philippines với Mỹ sẽ đi về đâu. Báo Stars and Stripes ngày 14-5 (giờ địa phương) ghi nhận như trên.

Năm 2014, Philippines và Mỹ đã ký kết Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng. Căn cứ thỏa thuận, hồi tháng 2 hai nước đã công bố thỏa thuận cho phép Mỹ đưa quân luân phiên đến năm căn cứ quân sự ở Philippines. Đến nay hai bên vẫn chưa thảo luận chi tiết về thỏa thuận này.

GS Virginia Bacay Watson ở Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ) nhận định cứ xem tân Tổng thống Rodrigo Duterte bổ nhiệm ai làm bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính thì sẽ biết số phận của thỏa thuận Mỹ-Philippines ra sao.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban thông báo: “Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Philippines để soạn thảo các dự thảo dự án nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự và các cơ sở tại năm căn cứ để nơi đây trở thành địa điểm huấn luyện có giá trị cao cho quân đội Philippines và bộ chỉ huy Thái Bình Dương”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin tại sân bay Puerto Princesa (Palawan) ngày 15-4. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ

Ông cho biết trong các hạng mục nâng cấp cơ sở hạ tầng, dự kiến sẽ có các hạng mục sửa chữa và mở rộng đường băng, lập kho hàng dự trữ đối phó thảm họa và kho xăng dầu. Ông cũng chưa rõ khi nào các dự thảo dự án được thông qua.

Thỏa thuận chia sẻ căn cứ quân sự đánh dấu kỷ nguyên mới trong quan hệ quân sự Mỹ-Philippines.

Quân đội Mỹ đã rút khỏi Philippines vào đầu thập niên 1990. Sau đó do nguy cơ khủng bố Hồi giáo trỗi dậy, Mỹ đã triển khai một số cố vấn chống khủng bố đến Mindanao, địa bàn của nhóm khủng bố Abu Sayyaf.

Hoạt động này đã mở đường cho hai nước ký kết Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng nhằm ngăn chặn hoạt động bành trướng hung hăng của Trung Quốc.

Sau cuộc tập trận chung “Vai kề vai” (Balikatan) kết thúc giữa tháng 4 vừa qua, quân đội Mỹ bắt đầu để lại một số binh sĩ ở Philippines.

Chuyên gia Carl Baker ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định: “Tôi không nghĩ rằng ông Duterte sẽ thay đổi đường lối dựa vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc như hiện nay”.

Trong khi đó, báo The Philippine Star đưa tin nhằm hiện đại hóa quốc phòng để đối phó với Trung Quốc, Philippines tiếp tục tăng cường quan hệ quân sự với các nước bạn.

Ngày 11-5, tại căn cứ Aguinaldo, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Pháp Thierry Mathou đã ký Hiệp định Hợp tác quốc phòng đã được thảo luận từ năm 2014.

Theo hiệp định, hai nước nhất trí tập trung hợp tác trong đối thoại cấp cao và tham vấn chính sách quốc phòng, viếng thăm quân sự, trao đổi về giáo dục và đào tạo, hợp tác về thiết bị quân sự, hậu cần và công nghiệp quốc phòng.

Philippines đã ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng với Mỹ, Nhật, Úc và nhiều nước châu Á.

Báo Taipei Times đưa tin hôm 14-5, nguồn tin từ bộ chỉ huy hải quân Đài Loan xác nhận tàu chiến Đài Loan đã cập cầu cảng mới xây dựng trên đảo Ba Bình của Việt Nam (bị Đài Loan chiếm đóng trái phép). Báo cho biết công trình phát triển trái phép trên đảo bắt đầu từ năm 2014 với kinh phí 101,15 triệu USD nhằm xây hai cầu cảng và một hải đăng, đồng thời nối dài đường băng dài 1.195 m để máy bay vận tải quân sự C-130 có thể hạ cánh. Trước đó, ngày 12-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ Đài Loan đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động trái phép, trong đó có tổ chức đoàn cựu quan chức cấp cao ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa và phát hành tem thể hiện yêu sách tại biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm