Thay cho những thùng xốp trắng mốc meo kê trên những chiếc ghế nhựa xanh đỏ của các quán cà phê “cóc” bình dân trong các con hẻm trước đây là những chiếc xe đẩy đóng bằng gỗ có mái che, được sơn màu nâu dịu mắt, khá sạch sẽ, thể hiện “đẳng cấp” hơn. Những cái tên khá “kêu”: “cà phê morning”, “fast coffee”, “yes or no cà phê”... và những thương hiệu tự tạo trên các quầy gỗ có lắp bánh xe khiến nhiều người phải chú ý.
Cà phê “cóc”... thương hiệu
"Đi trên đường, nhìn những quán cà phê này làm tui tò mò, khá lạ nên cũng tấp vào mua thử. Uống cũng được, sạch sẽ nên sáng nào cũng ghé mua. Riết rồi đâm ra ghiền, thay hẳn thói quen ngồi quán cóc" Ông HÙNG(khách ghé mua cà phê tại một quán gần xa lộ Hà Nội, Q.2) |
Không cần bảng hiệu to, đẹp với đèn nhấp nháy, nhưng từ xa mọi người đã thấy ngay menu: “Cà phê mang đi/cà phê đen 10K/cà phê sữa 12K” dựng ngay cửa ra vào của quán. Các quán cà phê “cóc” mang đi này đang mọc lên khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn thay dần cho mô hình quán cà phê cóc trước đây.
Cũng vẫn chỉ là một góc nhỏ khiêm tốn với 6-8 cái bàn bé xíu, vừa đủ kê chiếc máy tính cá nhân, ly cà phê và tách trà đá nhỏ. Những bục gỗ ốp sát tường, kèm thêm vài chiếc ghế thấp vừa một người ngồi và một quầy pha chế nho nhỏ. Nhưng theo anh Quân - chủ quán cà phê “cóc” Sóc Bay trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, dân Sài Gòn đang chuyển hướng chọn các quán này vì cũng giống như những quán cà phê cóc bình dân trước đây là có giá khá “mềm”. Những quán này giờ lại có hẳn “thương hiệu”, tạo sự yên tâm cho khách được thưởng thức cà phê sạch, rang xay nguyên chất nhiều loại. Phong cách bài trí cũng khá lịch sự, bắt mắt. Anh Quân cho biết mỗi ngày bán được khoảng 100 ly cà phê. Cuối tuần có thể lên tới 120-140 ly. “Buổi sáng và trưa là đông khách nhất, chủ yếu họ mua mang đi. Người ngồi lại cũng chỉ 15-20 phút, ít ngồi rề rà như các quán cóc kiểu cũ” - anh Quân nói.
“Nếu bỏ vốn để đầu tư làm đại lý cho một chuỗi cà phê mang đi thương hiệu phải tốn vài chục triệu đồng, tui không có khả năng và mặt bằng cũng không thể đáp ứng các yêu cầu của họ. Thôi mình tự tạo thương hiệu riêng, lên đời cái quán cóc cũ của mình cho lịch sự hơn, đóng lại bàn ghế, bố trí chỗ ngồi cho hợp lý, tốn có chục triệu đồng và phục vụ thêm cà phê mang đi là khách đông nườm nượp. Vẫn là những người khách hay ngồi quán cóc cũ thôi, lại còn có thêm khách mới là sinh viên, học sinh, công nhân... đến mua cà phê mang về, bán buôn khấm khá hẳn” - bà Hoàng Thị Linh, chủ quán cà phê với thương hiệu Nỗi Nhớ do bà tự tạo, thổ lộ.
Theo bà Linh, thời buổi bận rộn, khách hàng bình dân là người lao động giờ cũng tiết kiệm thời gian chứ ít khi “ngồi đồng” như trước. Đối với khách hàng truyền thống, bà vẫn kê riêng vài cái bàn cho những người có nhu cầu ngồi lâu, trò chuyện thời sự trong nước, thế giới, chuyện thế thái nhân tình và cả... đánh cờ tướng. “Giá cả không đổi nhưng ngồi bàn ghế sang trọng, phong cách rất... Tây, lại uống cà phê có thương hiệu nên những khách cũ đều vừa ý” - bà Linh nói.
Các quán cà phê mang đi bình dân mọc lên ngày càng nhiều, cạnh tranh nhau khá gay gắt, nhưng ông Thông - chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Lượng (Q.Gò Vấp) - cho biết chuẩn bị mở thêm một quán nữa. “Người Sài Gòn coi việc uống cà phê là thú vui buổi sáng. Càng bận rộn thì họ lại càng thích cà phê mang đi. Chỉ mất vài phút là có ly cà phê để thưởng thức ở mọi nơi thì chắc chắn người ta sẽ chọn” - ông Thông nói.
Bắt nhịp cuộc sống
Khách vì vội, tranh thủ trên đường đi làm, chở con đi học, vào ca, bác tài xe ôm vội vàng lo chở khách... tạt vào mua ly cà phê thì phong cách phục vụ của chủ quán cũng “đích thị” phong cách “cà phê nhanh”. Khách tới, chủ quán nhanh nhẹn bước ra, trên tay đã sẵn ly trà đá. Chỉ vài phút sau, có khi khách chưa đọc hết menu trên tường đề tên các loại cà phê: robusta, moka... thì chủ quán đã xuất hiện. Nếu khách mua mang đi thì tận tình trao tay hoặc treo vào xe giúp khách, thu tiền, rất nhanh, gọn gàng.
Ông Trần Quốc Hải - khách hàng thường xuyên của một quán cà phê mang đi bình dân trên đường Nguyễn Văn Lượng, Q.Gò Vấp - nói: “Tui uống cà phê đã mấy chục năm nay. Hồi xưa lái xe cho xí nghiệp cà phê ở Buôn Ma Thuột nên giờ uống cà phê có pha hay không là biết liền. Trước thì ngồi quán cóc, giờ chuyển sang mấy quán cà phê mang đi vừa ngon vừa bình dân. Chiều nào tui cũng ghé đây. Quán nhỏ nhưng sạch sẽ, bàn ghế gỗ xinh xắn tạo cảm giác gần gũi, mộc mạc”. Cũng theo ông Hải, người Sài Gòn giờ đã ý thức được sức khỏe nên “thà bỏ thêm mấy ngàn đồng vô đây bảo đảm vệ sinh hơn, chứ cà phê cóc kiểu cũ có khi pha bậy bạ, uống vô mang bệnh”.
“Một ly cà phê trong quán máy lạnh, sân vườn có giá mấy chục ngàn đồng, tiền đâu mà ngày nào cũng uống. Với lại, bây giờ ai cũng bận rộn nhiều việc, cần nhanh gọn để tiết kiệm thời gian nên mô hình này là phù hơp” - chị Hương, một khách uống cà phê, nhận xét. Với cái giá “chấp nhận được” từ 8.000-12.000 đồng, có nơi chỉ 6.000 đồng, cà phê mang đi bình dân đã được người tiêu dùng đón nhận. Nhiều ông chủ của các quán còn có chương trình khuyến mãi: tặng thêm một ly nếu mua nhiều và giao hàng miễn phí trong khu vực nội quận. “Có mấy người thợ ở công trình xây dựng bên kia, ngày kêu cà phê hai lần, mỗi lần chừng 5-6 ly. Mình giao tận nơi mà còn tặng thêm 1-2 ly nên họ gắn bó với quán” - chị Phương Nguyên, chủ quán cà phê mang đi trên đường Nguyễn Văn Lượng, kể.
Lên đời cho quán “cóc” Cà phê take away (cà phê mang đi) là xu hướng phát triển mạnh ở nhiều nước, phù hợp với cuộc sống bận rộn. Khi nhập vào VN cách đây vài năm, các dòng cà phê nước ngoài đã nhanh chóng trở thành chuỗi hệ thống cà phê sang trọng: Effoc, Startup coffee, Passio... Bà Loan, một đại lý của cà phê Milano trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết nếu đồng ý làm đại lý của các hãng thương hiệu, người mở quán sẽ tìm mặt bằng, họ duyệt lại. Sau vài ngày, họ lắp đặt xong thì chỉ việc vào bán. Chi phí mở một quán cà phê mang đi như vậy khoảng vài chục đến hàng trăm triệu đồng, tùy mức đầu tư và thương hiệu. Còn với những quán “cóc” bình dân lên đời thành “cà phê mang đi” thì chi phí đầu tư ít tốn kém, chỉ cần mặt bằng nhỏ, xe cà phê và những bộ bàn ghế tương đối lịch sự... là đủ. |
Theo MINH PHƯỢNG (TTO)