Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố, bắt giam hai cựu bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn vì các sai phạm liên quan đến thương vụ MobiFone mua AVG.
Trước đó, công an cũng đã bắt ông Phạm Đình Trọng và những người có liên quan để điều tra.
Phê duyệt khi Thủ tướng chưa cho chủ trương
Theo hồ sơ, tháng 2-2015, bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình cho MobiFone theo đề xuất của ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, trong đó đề xuất mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số.
Một tháng sau, ông Trọng có phiếu trình, đề nghị đưa giao dịch giữa MobiFone và AVG vào danh mục mật của Nhà nước và ông Son đã bút phê vào dự thảo công văn “chuyển đ/c Tuấn ký”. Cũng trong tháng 3-2015, ông Son có bút phê bản ghi nhớ việc MobiFone mua cổ phần AVG, đồng ý việc lựa chọn nhà thầu tư vấn mua cổ phần AVG…
Đến tháng 10-2015, ông đã giao ông Trương Minh Tuấn, khi đó là thứ trưởng Bộ TT&TT trực tiếp chỉ đạo tổ thẩm định… đến cuối năm 12-2015, ông Tuấn ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone theo chỉ đạo của bộ trưởng Son.
Theo Thanh tra Chính phủ, dù dự án đầu tư chưa được Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng Bộ TT&TT đã ban hành quyết định số phê duyệt dự án khi chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển. Điều này là vi phạm pháp luật về đầu tư.
Chưa hết, khi phê duyệt dự án, Bộ TT&TT đã không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư và trên thực tế MobiFone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu (từ ngân sách) để trả cho phía AVG. Bốn kênh tần số vô tuyến mà Bộ TT&TT đã cấp cho AVG để thực hiện thí điểm là tài nguyên quốc gia có giá trị thương mại cao nhưng không đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng mà ông Nguyễn Bắc Son đã cho MobiFone sử dụng.
Đáng chú ý, tại các văn bản do ông Son gửi các bộ, ngành liên quan, ông Son nêu: Bộ TT&TT đã xem xét và phê duyệt dự án theo đúng các quy trình quy định với đầy đủ các nội dung cần thiết theo đúng thẩm quyền, tuân thủ đúng quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét nhà ông Trương Minh Tuấn ngày 23-2. Ảnh: TUYẾN PHAN
Bộ TT&TT đã thiếu trách nhiệm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong văn bản gửi Bộ Công an vào tháng 12-2015, ông Trương Minh Tuấn nêu: MobiFone đã nhiều lần đàm phán với AVG và thống nhất mức giá mua 95% cổ phần AVG là gần 8.900 tỉ đồng. Mức giá này thấp hơn khoảng 7.000 tỉ so với mức giá thẩm định và thấp hơn khoảng 300 triệu USD so với mức giá mà AVG định bán cho đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, các số liệu tính toán trong phương án kinh doanh và hiệu quả đầu tư chỉ là những giả định (dự báo) trong tương lai do đó phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển của thị trường và khả năng triển khai hoạt động kinh doanh của MobiFone. “Nếu trong điều kiện không thuận lợi, các chỉ tiêu tính toán không đạt được như kỳ vọng thì hiệu quả của dự án sẽ giảm xuống và trong trường hợp xấu nhất có thể dự án không có hiệu quả… Tuy nhiên, đối với dự án này thì ngoài yếu tố về kinh tế còn có yếu tố về an ninh chính trị, tư tưởng văn hóa” - ông Tuấn nêu trong văn bản.
Và ngay trong ngày nhận được văn bản “đảm bảo an ninh chính trị, tư tưởng văn hóa” thì ông Tuấn đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone!
Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ việc MobiFone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước nhưng ông Tuấn (khi đó là thứ trưởng, ký thay bộ trưởng Nguyễn Bắc Son) đề nghị đưa giao dịch vào danh mục mật là không đúng quy định và đề nghị Bộ Công an có ý kiến về nhiều nội dung không thuộc phạm vi quản lý của bộ này. “Bộ TT&TT đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án; phê duyệt dự án không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ…” - Thanh tra Chính phủ nêu.
Ban Kinh tế Trung ương từng cảnh báo rủi ro, thất thoát ngân sách Theo nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM, liên quan đến thương vụ mua bán trên, Ban Kinh tế Trung ương từng có báo cáo Thường trực Ban Bí thư cho rằng: Việc xác định giá trị doanh nghiệp của AVG do bốn công ty thực hiện tại cùng một thời điểm nhưng cho bốn kết quả khác nhau, với chênh lệch khác biệt rất lớn (thấp nhất hơn 16.000 tỉ, cao nhất trên 33.000 tỉ, gấp hai lần). Ban Kinh tế Trung ương xác định: Với kết quả trên cho thấy việc xác định giá trị AVG là thiếu tin cậy, nếu sử dụng kết quả này để phê duyệt cho MobiFone mua lại cổ phần của AVG sẽ mang lại nhiều rủi ro và khả năng gây thất thoát vốn của Nhà nước. |